Môi trường không khí được cải thiện

Sáng 4/8/2022, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ V nhằm tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) giai đoạn 2016 - 2022; đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho công tác BVMT ở nước ta trong những năm tiếp theo.

Bộ TN&MT: Chất lượng môi trường đã nâng lên rõ rệt
Quang cảnh Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V. Ảnh: TN

Giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế của Việt Nam duy trì ở mức tăng trưởng cao, đồng nghĩa với việc phát sinh ra môi trường khối lượng lớn chất thải; đầu nhiệm kỳ (4/2016) đã xảy ra sự cố môi trường biển nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế), ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, chính trị, kinh tế của khu vực; gây tác động rất nghiêm trọng lên các thành phần môi trường và hệ sinh thái biển.

Để ngăn chặn, khắc phục triệt để các sự cố, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Bộ TN&MT cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng, hữu hiệu từng bước kiểm soát tốc độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục sự cố, các điểm nóng môi trường.

Giai đoạn 2016 - 2022, các chương trình bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (voi, hổ, linh trưởng, rùa) và các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ đã được xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ sở để các cơ quan quản lý và các tổ chức bảo tồn triển khai các hoạt động bảo vệ và bảo tồn loài.

Bảo vệ chất lượng các thành phần môi trường được xác định là nền tảng, mục tiêu hình thành và duy trì các hoạt động kiểm soát ô nhiễm và BVMT. Do đó, giai đoạn 2016 - 2022, công tác quản lý chất lượng các thành phần môi trường đã được chú trọng, chuyển dần từ cơ chế bị động sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, giám sát ô nhiễm. Việc quy định xem xét “yếu tố nhạy cảm về môi trường” lần đầu tiên được luật hóa khi phân loại dự án đầu tư nhằm ngăn chặn ngay từ khâu hình thành nguồn ô nhiễm.

Đến nay, các thành phần môi trường nước mặt lục địa tại các lưu vực sông vẫn duy trì chất lượng tốt, khá tốt ở phần trung lưu, thượng lưu; chỉ còn một số đoạn sông chảy qua nội đô, nội thị hoặc các khu vực tập trung phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề còn cục bộ ô nhiễm. Môi trường nước dưới đất có chất lượng tương đối tốt, tuy nhiên, cũng đang phải đối mặt một số vấn đề như cạn kiệt, xâm nhập mặn trong các tầng chứa nước nhạt ở một số khu vực…

Môi trường nước biển và hải đảo có chất lượng khá tốt, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm, mặc dù phải chịu tác động mạnh của các hoạt động phát triển cảng biển, hoạt động nuôi trồng thủy hải sản hay hoạt động phát triển du lịch biển.

Chất lượng môi trường không khí có xu hướng cải thiện trong giai đoạn 2016 - 2018; năm 2019, xuất hiện một số đợt có chất lượng kém tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; năm 2020 chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình; trong thời kỳ giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, chất lượng không khí tại các đô thị lớn có xu hướng tốt hơn.

Thiết lập hệ thống chính sách đồng bộ về bảo vệ môi trường

Bộ TN&MT cho rằng, Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ V, giai đoạn 2016 - 2022 là dịp để đánh giá, phân tích, làm rõ kết quả thực hiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT đã có những bước phát triển, ngày càng hoàn thiện, đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến nay, chúng ta đã thiết lập được hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ về BVMT và đa dạng sinh học với 1 luật, 8 nghị định, 14 quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 17 thông tư, 12 quy chuẩn Việt Nam, 11 tiêu chuẩn Việt Nam được xây dựng và ban hành.

Bộ Tài nguyên và Môi Trường: Chất lượng môi trường đã được nâng lên rõ rệt
Chất lượng môi trường đã được cải thiện rõ rệt. Ảnh: TN

Đặc biệt, Luật BVMT năm 2020 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, với nhiều nội dung đổi mới mang tính đột phá, thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; tiệm cận hài hòa với chính sách pháp luật BVMT trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng và phê duyệt các chương trình/kế hoạch bảo tồn loài trên địa bàn tỉnh dưới sự hỗ trợ từ các nguồn tài trợ hoặc các đề tài/dự án có các hoạt động bảo tồn tại chỗ mà số lượng cá thể một số loài linh trưởng tăng lên, quần thể voọc mông trắng ngày càng tăng về số lượng.

Với nhiều chính sách mới mang tính đột phá, Luật BVMT 2020 được kỳ vọng sẽ tạo bước tiến lớn trong công tác BVMT tại nước ta nói chung và quản lý chất thải nói riêng.

Bộ TN&MT thông tin, đây cũng là giai đoạn hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Nhiều phong trào, mô hình điển hình về BVMT đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội, ngày càng đóng góp thiết thực cho công tác BVMT. Nhiều mô hình đô thị sinh thái, khu công nghiệp sinh thái, nông thôn mới, sản phẩm sinh thái, thân thiện môi trường đã được triển khai thực hiện./.