>> Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thăm và làm việc tại Trường Nghiệp vụ thuế

Đề nghị vay 1.950 tỷ đồng để bảo tồn di sản Cố đô Huế

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chiều 14/3, ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề xuất với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và đoàn công tác về việc vay vốn để thực hiện dự án bảo tồn và hát huy giá trị di sản Cố đô Huế.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, quần thể Cố đô Huế đã được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương quan tâm hỗ trợ đầu tư, tuy nhiên nguồn lực đầu tư còn khá thấp so với nhu cầu đầu tư thực tế.

Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu của Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đề án điều chỉnh quy hoạch, bảo tồn phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020, nhằm bảo tồn tu bổ di tích Cố đô Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ Tài chính cho phép tỉnh được vay ưu đãi từ Ngân hàng phát triển để thực hiện dự án.

bộ trưởng đinh tiến dũng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chiều 14/3. Ảnh: NM.

Việc đề nghị vay vốn, theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là để thực hiện Đề án quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị di tích Cố đô Huế. Cụ thể như: Đền bù và giải phóng mặt bằng khu vực I của 12 điểm di tích thuộc khu vực Kinh thành Huế; Xây dựng chung cư và khu vực tái định cư để giải tỏa hơn 1.200 hộ dân thuộc khu vực I và 12 của di tích; quy hoạch và bảo tồn tổng thể và đầu tư xây dựng Nhà trưng bày Bảo tàng cổ vật cung đình Huế; bảo tồn và tu bổ hệ thống Kinh thành Huế… với mức vốn vay dự kiến khoảng 1.950 tỷ đồng, thời gian vay trong vòng 5 năm từ 2016 - 2020, thời gian vay vốn 20 năm (bao gồm cả thời gian giải ngân).

Trước đề nghị này của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc bảo tồn di sản Cố đô Huế thật sự là một thách thức. Nếu bảo tồn được thì rất quý, nhưng nếu không bảo tồn được thì lại rất nguy hiểm. Nếu đầu tư bảo tồn thì không thu được vốn ngay. Đây thực sự là một thách thức.

“Di sản là di sản quốc gia, giao cho địa phương thì địa phương phải có trách nhiệm, nhưng ở đây trung ương cũng phải có trách nhiệm. Di sản Cố đô Huế là thuộc về lịch sử, vì thế việc bảo tồn rất là khó”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Tỉnh nên có đề án cụ thể báo cáo Trung ương hỗ trợ

Chính vì khó khăn như vậy, nên Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng ngân sách trung ương cũng cần phải hỗ trợ. “Việc đi vay, kể cả vay có hỗ trợ lãi suất, vay kho bạc không lãi suất thì vẫn rất khó. Vì vay thì sẽ phải trả, mà trả thì sẽ ảnh hưởng đến ngân sách của địa phương. Vì thế, trên cơ sở đề án này, tỉnh nên có đề án cụ thể đề nghị Trung ương hỗ trợ để bảo ồn di tích”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Theo đó, UBND tỉnh có thể làm đề án đề nghị hỗ trợ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, đề nghị trung hương hỗ trợ 50 - 70% kinh phí của dự án, còn lại là tỉnh tự sắp xếp. Như thế dự án mới khả thi được.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu lãnh đạo Vụ Đầu tư, Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) ủng hộ đề án này, coi đây là công trình trọng điểm của tỉnh và của Quốc gia. “Bộ Tài chính sẽ ủng hộ tỉnh hết mức, nhưng phải có đề án cụ thể, thể hiện được sự cấp bách cần phải bảo tồn di sản”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Về các đề xuất khác như: sử dụng tăng thu 50% của năm 2015 để thực hiện cải cách tiền lương; vay vốn từ Ngân hàng phát triển để thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa giao thông nông thôn, đầu tư làng nghề hạ tầng thủy sản… Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, trừ việc chi cho tiền lương thì các khoản chi khác nếu cân đối được mới cho vay. Như thế có thể nói là khả năng huy động vốn cho lĩnh vực này không bền vững, khó thực hiện.

“Tuy nhiên Bộ Tài chính sẽ báo cáo với Thủ tướng, trong trường hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thì Bộ Tài chính cũng sẽ ủng hộ phương án hỗ trợ theo đề xuất của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Về đề xuất kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ cho người có công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc hỗ trợ nhà ở cho người có công theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ cho người có công có kinh phí khá lớn. Tinh thần chung của Chính phủ và Quốc hội là dừng lại ở 72.000 hộ theo báo cáo giám sát của UBTV Quốc hội./.

Nhật Minh