Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.

Doanh nghiệp phải cùng cơ quan quản lý tháo gỡ “nút thắt”

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) thay mặt Ủy ban 1899 và là người chỉ đạo trực tiếp cơ quan thường trực của Ủy ban đã lĩnh hội và tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Ủy ban 1899 đã phối hợp tích cực với các bộ, ngành, địa phương để thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo khuyến nghị của các tổ chức có uy tín hoạt động trong lĩnh vực vận tải, thương mại trên thế giới, NSW là công cụ hữu hiệu để kết nối giữa các cơ quan của Chính phủ, doanh nghiệp (DN), các nhà cung cấp dịch vụ, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải, thương mại quốc tế trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) tiến hành các giao dịch thương mại thông qua phương thức điện tử.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, NSW cũng được coi là một cơ chế quan trọng trong thuận lợi hóa thương mại, đảm bảo khả năng hội nhập của DN tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó việc triển khai NSW để thực hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện ASW nhằm thực hiện kết nối các quốc gia thành viên, đảm bảo giao lưu hàng hóa trong khu vực theo đúng tinh thần chung của cộng đồng kinh tế ASEAN.

“Nếu coi NSW là công cụ thực thi thì việc cải cách thể chế chính sách liên quan đến công tác quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành (KTCN) trong hàng hóa xuất nhập khẩu lại là nút thắt trong tháo gỡ khó khăn cho DN khi thực hiện các TTHC thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành. Chỉ khi các bộ quản lý chuyên ngành cải cách một cách thiết thực, thực chất nhất công tác quản lý và KTCN thì công tác quản lý một cửa quốc gia mới có thể phát huy tối đa hiệu quả quản lý”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Để hoàn thành các mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị cần có sự chung tay của tất cả các bộ, ban, ngành, sự đóng góp của cộng đồng DN, các bên chịu tác động cũng như được hưởng lợi ích do cải cách mang lại. Vì vậy, trước hết về phía các bộ, ngành cần có sự ủng hộ, quyết liệt vào cuộc hơn nữa với Bộ Tài chính, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp từ phía các bộ trưởng, trưởng ngành.

Đối với cộng đồng DN, Phó Trưởng Ban 1899 đề nghị các hiệp hội và bản thân các DN tích cực, chủ động, đóng góp và phản biện mang tính xây dựng khi được các cơ quan nhà nước tham vấn trong quá trình xây dựng chính sách.

“Công tác cải cách luôn đi đôi với ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến, vì vậy cộng đồng DN phải luôn đồng hành với cơ quan quản lý Nhà nước trong chuẩn bị về nguồn lực bao gồm cả đào tạo nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất... Ngoài ra, cần có sự tham gia, giám sát, đánh giá độc lập từ phía DN một cách thực chất trong thực thi các cải cách tạo thuận lợi thương mại và các dịch vụ công của các cơ quan nhà nước, qua đó, tạo áp lực và thúc đẩy các cơ quan nhà nước tìm ra những điểm nghẽn, nút thắt để cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ công nói riêng và TTHC nói chung, nhằm phục vụ tốt hơn cho DN và người dân”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Phấn đấu tỷ lệ hàng hóa nhập khẩu phải KTCN dưới 10%

Trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế với 10 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực và năm 2017 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 425 tỷ USD, gấp 1,9 lần giá trị GDP, do vậy việc phải cải cách các TTHC, tạo thuận lợi thương mại để thông quan hàng hóa xuyên biên giới là vô cùng quan trọng.

“Chính phủ coi đây như là một điểm nghẽn để tập trung tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất trong nước, thúc đẩy kinh tế phát triển và đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Theo Bộ trưởng, mặc dù đã hoàn thiện một bước về thể chế thực hiện NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại, nhưng yêu cầu cần thực hiện còn lớn. "Chúng ta mới thực hiện được 53/281 TTHC của 11 bộ, ngành đưa NSW, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) 4 năm qua mới giảm được hơn 4.400 mặt hàng phải KTCN (từ hơn 82.000 xuống còn hơn 78.000 hàng hóa nhâp khẩu phải KTCN)", Bộ trưởng nêu.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, để thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ, từ năm 2014- 2018 Bộ Tài chính đã cùng các bộ, ngành tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến tạo thuận lợi thương mại, thông quan hàng hóa. Bên cạnh đó, đã tăng cường kết nối giữa các bộ, ngành với Tổng cục Hải quan để giải quyết TTHC trên hệ thống hải quan điện tử.

Trong thời gian tới, các bộ, ngành tiếp tục cắt giảm số lượng hàng hóa phải KTCN với mục tiêu Chính phủ đặt ra là dưới 10% (hiện còn hơn 19% số hàng hóa nhập khẩu phải KTCN). Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, đây là việc rất khó khăn.

Cùng với đó là việc kết nối, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phải đồng bộ giữa Tổng cục Hải quan với các bộ, ngành. “Đây là nhiệm vụ rất quan trọng. 99% hàng hóa được thực hiện bằng phương thức hải quan điện tử, nhưng việc kết nối với các bộ, ngành chưa đồng bộ do hệ thống cơ sở hạ tầng, gây ách tắc, khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay./.

Minh Anh