Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các Bộ trưởng Tài chính APEC 2017.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các Bộ trưởng Tài chính APEC 2017.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, thông qua những dự án hợp tác song phương đã góp phần nâng cao năng lực quản lý tài chính hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Các tổ chức quốc tế cam kết trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Bộ Tài chính, giúp Việt Nam có thêm nguồn lực cho nhu cầu phát triển. TBTCVN trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc ý kiến của đại diện các tổ chức quốc tế về quan hệ hợp tác với Bộ Tài chính.

* ÔNG TOM CORRIE – PHÓ TRƯỞNG BAN HỢP TÁC PHÁT TRIỂN, PHÁI ĐOÀN LIÊN MINH CHÂU ÂU (EU) TẠI VIỆT NAM:

Liên minh châu Âu và Bộ Tài chính cùng gắn kết qua 25 năm hợp tác

ÔNG TOM CORRIE

ÔNG TOM CORRIE

Bắt đầu từ năm 1990, EU đã cung cấp những khoản viện trợ phát triển quan trọng cho Việt Nam. Hiện nay, EU, cùng với các nước thành viên của mình đang là nhà tài trợ không hoàn lại lớn nhất tại Việt Nam.

Liên quan đến sự hợp tác với Bộ Tài chính Việt Nam, EU hiện có một chương trình đang cùng triển khai với Bộ Tài chính với tên gọi Dự án EU về hiện đại hóa tài chính công, do GIZ (Cơ quan hợp tác kỹ thuật của Đức) thực hiện. Dự án này tập trung chủ yếu vào hỗ trợ Bộ Tài chính cải thiện các khuôn khổ pháp lý, tổ chức và quy định đối với việc lập kế hoạch và quản lý ngân sách nhà nước. Cụ thể, EU đã tài trợ về mặt kinh nghiệm chuyên môn trong quá trình xây dựng Luật Ngân sách nhà nước mới và hiện đang hỗ trợ đào tạo cho cán bộ ở cấp trung ương và địa phương tại Việt Nam. Ngoài ra còn có một hợp phần riêng trong hợp tác với Kiểm toán Nhà nước Việt Nam nhằm giúp cải thiện năng lực và việc lập kế hoạch kiểm toán quốc gia.

Bên cạnh đó, EU và Bộ Tài chính thường xuyên duy trì các cuộc đối thoại chính sách ở các cấp khác nhau để thảo luận về các vấn đề như tiến bộ đạt được trong các hoạt động cải cách tài chính công, các khoản viện trợ đã được giải ngân, sử dụng hiệu quả như thế nào… EU cũng tham gia vào việc điều phối các đối tác phát triển khác cùng hợp tác với Bộ Tài chính, nhằm đảm bảo rằng các dự án hỗ trợ khác nhau của các đối tác phát triển mang tính bổ sung mà không trùng lắp với nhau.

EU và Chính phủ Việt Nam hiện cũng đang chuẩn bị cho một dự án mới quy mô lớn về “Tăng cường năng lực quản trị công về kinh tế”, sẽ có các hợp phần do Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý. Các hợp phần liên quan tới lĩnh vực tài chính sẽ hỗ trợ trong lĩnh vực thuế, lập kế hoạch chi ngân sách và quản lý nợ công. EU có kế hoạch tiếp tục phối hợp với GIZ trong dự án này, dự kiến sẽ được khởi động và đầu năm 2019. Về mặt thời gian, dự án mới này cũng được tính toán để khớp với lộ trình phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA). Đồng thời, dự án cũng cân nhắc tới một số thay đổi cần thiết nhằm đảm bảo rằng Việt Nam có thể thu được những lợi ích đầy đủ từ EVFTA ngay khi nó đi vào thực thi.

* ÔNG KONAKA TETSUO – TRƯỞNG ĐẠI DIỆN CƠ QUAN HỢP TÁC QUỐC TẾ NHẬT BẢN (JICA) TẠI VIỆT NAM:

JICA sẵn sàng hợp tác nhiều hơn nữa với Bộ Tài chính

ÔNG KONAKA TETSUO

ÔNG KONAKA TETSUO

Từ những năm 1990, JICA đã hợp tác phát triển với Việt Nam trong lĩnh vực tài chính, thông qua việc cung cấp một khối lượng vốn vay ODA rất lớn để phục vụ cho phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển xã hội. Cùng với đó, JICA cũng có nhiều hoạt động hợp tác kỹ thuật hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực về thể chế và quản lý hành chính tập trung vào các vấn đề phát triển.

Trong quá trình hiện diện tại Việt Nam, JICA cũng hợp tác với nhiều bộ, ngành của Việt Nam, trong đó có Bộ Tài chính. Đối với sự hợp tác với Bộ Tài chính, JICA đã tập trung vào những vấn đề chính sách được ưu tiên trong nhiều lĩnh vực tài chính khác nhau. Cụ thể như trong lĩnh vực cải cách hành chính thuế (phát triển về mặt thể chế và tăng cường năng lực cho cán bộ Tổng cục Thuế),

trong lĩnh vực hải quan (tăng cường tính hiệu quả của Hệ thống thông quan tự động VNACCS), cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển thị trường chứng khoán và hiện đại hóa chuẩn mực kế toán thông qua hợp tác kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại. Thông qua những dự án hợp tác trên đã đem lại những hiệu quả lớn và tác động tích cực đối với ngành Tài chính Việt Nam.

Chúng tôi nhận thấy, Chính phủ Việt Nam đang hướng đến xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh. Tỷ lệ nợ công/GDP được kiểm soát trong hạn mức do Quốc hội phê duyệt (65%) và tỷ lệ này mới được hạ xuống khoảng 60%, sau khi đạt mức 63,6% vào năm 2016. Tuy nhiên, cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng cần lưu ý đến việc tiếp cận linh hoạt trong sử dụng nguồn tài chính công, trong đó có vốn vay ODA nhằm tránh tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong trung và dài hạn.

Trong thời gian tới, JICA sẵn sàng hợp tác nhiều hơn với Bộ Tài chính để tìm ra những giải pháp tích cực hơn, nhằm thúc đẩy các lĩnh vực tài chính phát triển và nâng cao năng lực quản lý tài chính hiệu quả, kết hợp với thực hiện mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam...

* ÔNG ERIC SIDGWICK – GIÁM ĐỐC QUỐC GIA NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN CHÂU Á (ADB) TẠI VIỆT NAM:

ADB góp phần thúc đẩy các sáng kiến của Bộ Tài chính về quản lý tài chính công

ÔNG ERIC SIDGWICK

ÔNG ERIC SIDGWICK

ADB và Bộ Tài chính đã có mối quan hệ đối tác lâu dài và đa chiều kể từ khi ADB khôi phục lại hoạt động ở Việt Nam vào năm 1993. Từ đó đến nay, ADB vẫn luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc thiết lập hệ thống quản lý tài chính dự án tập trung và phân cấp, để hỗ trợ các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ và đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Theo thời gian, việc hỗ trợ này hiện tập trung vào các chương trình

phức tạp hơn, bao gồm quản lý khủng hoảng tài chính, cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển thị trường vốn và tăng cường quản lý tài chính công.

Bên cạnh đó, ADB đã và đang góp phần thúc đẩy các sáng kiến của Bộ Tài chính trong quản lý tài chính công thông qua Diễn đàn Đối tác tài chính quốc gia hàng năm và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2017 - nơi thảo luận các vấn đề và giải pháp tài chính quan trọng để góp phần cải cách chính sách phát triển và các biện pháp chiến lược ở Việt Nam. ADB cũng sẽ tiếp tục tham gia và thúc đẩy đối thoại chính sách của Bộ Tài chính với các đối tác phát triển và các bên liên quan khác, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các khoản vay nước ngoài của Chính phủ trong những năm tới.

Luật Quản lý nợ công năm 2017 đã trao trách nhiệm lớn hơn cho Bộ Tài chính để quản lý nợ công một cách hiệu quả, bao gồm quản lý ODA và các nguồn lực ưu đãi. Trước những thay đổi quan trọng này, ADB cũng sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ đối với Bộ Tài chính về mặt chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn. ADB cũng sẽ hỗ trợ Bộ Tài chính xây dựng năng lực thể chế, bao gồm hiểu rõ về đàm phán và các quy trình ký kết, khả năng tính toán và so sánh chi phí vay của nhiều phương thức tài chính một cách chính xác; đồng thời tăng cường khả năng quản lý rủi ro tài chính.

Nhằm giúp Việt Nam có thêm nguồn lực để tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ADB cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để thiết kế các sản phẩm tài chính mới phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của Việt Nam, cũng như tìm kiếm nguồn đồng tài trợ mới để cung cấp các khoản vay ưu đãi hơn.

* ÔNG JONATHAN C. DUNN - TRƯỞNG ĐẠI DIỆN QUỸ TIỀN TỆ QUỐC TẾ (IMF) TẠI VIỆT NAM:

IMF mong muốn tiếp tục là một cố vấn đáng tin cậy về chính sách tài khóa

ÔNG JONATHAN C. DUNN

ÔNG JONATHAN C. DUNN

IMF rất vinh dự được hỗ trợ chương trình cải cách kinh tế của Chính phủ Việt Nam từ đầu những năm 1990, thông qua tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực và hỗ trợ tài chính (trong những năm 1990 và 2000). Mối quan hệ giữa IMF và Bộ Tài chính là mối quan hệ rất chặt chẽ trong suốt giai đoạn này. Công việc của chúng tôi đã cho phép IMF học hỏi từ Bộ Tài chính để hiểu rõ hơn về các cơ hội và thách thức của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính công và IMF chia sẻ kinh nghiệm quốc tế với Việt Nam về cải cách tài khóa. Theo quan điểm của IMF, Việt Nam đã có những tiến bộ lớn về cải cách tài khóa, bao gồm cả khung pháp lý và cải cách thể chế trong thập kỷ qua.

Những năm gần đây, Bộ Tài chính và IMF đã có sự hợp tác rất chặt chẽ trong thống kê tài chính của Chính phủ, quản lý nợ công, cải cách quản lý thuế và các chính sách thuế. Dựa trên sự hợp tác này, IMF đã có thể hỗ trợ Chính phủ trong việc xây dựng Luật Quản lý nợ công mới, Cẩm nang thống kê

tài chính Chính phủ của Việt Nam, đề xuất việc tái cơ cấu tổ chức Tổng cục Thuế và phân tích các cải cách chính sách thuế.

Trong thời gian tới, IMF sẵn sàng hỗ trợ Bộ Tài chính thông qua phát triển năng lực và hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm các lĩnh vực cải cách quản lý thuế, phân tích nợ công và chiến lược quản lý nợ, quản lý đầu tư công và khung pháp lý về quản lý thuế và chính sách thuế. IMF mong muốn tiếp tục các đối thoại chính sách chặt chẽ với Bộ Tài chính như là một cố vấn đáng tin cậy về chính sách tài khóa để giúp Việt Nam nắm bắt được những cơ hội mới và vượt qua những thách thức về tài chính trong những năm tới.

* ÔNG FABRICE RICHY - GIÁM ĐỐC CƠ QUAN PHÁT TRIỂN QUỐC TẾ PHÁP (AFD) TẠI VIỆT NAM:

Bộ Tài chính là đối tác chính của AFD tại Việt Nam

ÔNG FABRICE RICHY

ÔNG FABRICE RICHY

Hiện diện tại Việt Nam từ năm 1994 đến nay, nhờ những cố gắng của các bên đối tác Việt Nam, AFD đã cam kết tài trợ gần 1,9 tỷ Euro cho 84 dự án. Đó là thành quả của mối quan hệ rất hiệu quả giữa các cơ quan của Chính phủ và AFD. Đặc biệt, Bộ Tài chính là một đối tác chính của AFD.

Bộ Tài chính và AFD đã duy trì các mối quan hệ vô cùng chặt chẽ ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án, đàm phán và ký kết các thỏa ước tài trợ của các dự án, chuyển giao vốn cho các tỉnh và người thụ hưởng theo hình thức vốn cấp ngân sách hoặc cho vay lại tùy theo mức độ phát triển của họ. Vai trò của Bộ Tài chính càng quan trọng hơn trong bối cảnh nợ công đang ở mức cao, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý nợ công sửa đổi. Nhiều nghị định quan trọng đang được điều chỉnh, trong đó có các nghị định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và điều kiện chuyển giao vốn cho các tỉnh. Bộ Tài chính sẽ được tăng cường vai trò của mình trong công tác quản lý nợ (ở cấp trung ương và địa phương), xác định cơ chế tài chính chuyển giao vốn của AFD cho các tỉnh, cho phép các dự án mới… Do vậy, quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa AFD và Bộ Tài chính cần phải được tăng cường hơn nữa trong những tháng tới và trong những năm tiếp theo.

AFD đã cập nhật Chiến lược Khí hậu của mình cho giai đoạn 2017 - 2022 với mức cam kết 100% cho Thỏa thuận Paris. Tại Việt Nam, trong giai đoạn từ 2006 đến 2017, với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính, AFD đã cấp cho Việt Nam 830 triệu Euro vốn vay và vốn viện trợ không hoàn lại để tài trợ cho 26 dự án và chương trình khí hậu, tức gần 70% tổng số vốn cam kết trong giai đoạn này. AFD mong muốn tăng cường hơn nữa các hoạt động tài trợ của mình trong khuôn khổ triển khai Thỏa thuận Paris.

Để đạt được mục đích này, hoạt động đối thoại liên tục với Bộ Tài chính sẽ cho phép hỗ trợ các dự án ưu tiên đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các địa phương trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và chống chịu với thiên tai. AFD đã kết hợp hài hòa với Bộ Tài chính để tối ưu hóa quá trình huy động các khoản tài trợ trên và tăng cường đa dạng hóa các công cụ tài chính: hỗ trợ ngân sách, hỗ trợ dự án (vay có bảo lãnh và vay không của Chính phủ, kể cả loại hình thức hợp nhất các khoản vay đó với nguồn viện trợ không hoàn lại của Liên minh châu Âu ủy quyền cho AFD), hạn mức tín dụng “xanh” và khí hậu, huy động Quỹ Xanh cho khí hậu (AFD là cơ quan được ủy quyền),...

Như vậy, AFD hợp tác rất chặt chẽ với Bộ Tài chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh tiếp cận với các khoản tài trợ. Bộ Tài chính đã tham gia tích cực vào mỗi giai đoạn then chốt và các chuyến công tác thực địa mà chúng tôi đã tiến hành và đã hỗ trợ tích cực cho quá trình chẩn bị và phê duyệt các dự án. Tương tự như vậy, chúng tôi cũng đang hợp tác cùng Bộ Tài chính trong việc xây dựng một chương trình hoạt động 2019 – 2020 để hỗ trợ cho các địa phương.

ảnh minh họa

Nhóm PV