Cục Kiểm định hải quan triển khai Trạm kiểm định di động

Cục Kiểm định hải quan triển khai Trạm kiểm định di động phục vụ công tác kiểm tra nhanh các lô hàng phế liệu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Hải Anh

sẽ góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước trong đó có hải quan nâng cao năng lực hoạt động và doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi tiết giảm được chi phí hành chính…”, ông Đỗ Văn Quang - Cục trưởng Cục Kiểm định hải quan, Tổng cục Hải quan chia sẻ.

- PV: Đề án cải cách mô hình kiểm tra chuyên ngành (KTCN) được kỳ vọng tạo bước đột phá trong đơn giản thủ tục hành chính ngay tại cửa khẩu, khắc phục nhược điểm trong kiểm tra, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay. Ông đánh giá như thế nào về đề án quan trọng này?

- Ông Đỗ Văn Quang: Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc cải cách toàn diện thủ tục KTCN, đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, kết quả đến nay còn nhiều hạn chế chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu cải cách của Chính phủ và kỳ vọng của DN.

Tôi cho rằng, việc đổi mới phương thức kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm theo đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ giúp doanh nghiệp (DN) giảm chi phí, giảm đầu mối tiếp xúc giữa DN với các cơ quan, tổ chức đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Chính phủ.

Việc thực hiện cải cách theo định hướng đề án nêu ra đảm bảo mục đích tạo thuận lợi thương mại nhưng không buông lỏng quản lý, do đó, các bộ quản lý chuyên ngành nói chung và cơ quan hải quan nói riêng vẫn cần nâng cao hiệu quả kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu, tập trung đúng đối tượng hàng hóa có rủi ro cao, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Đỗ Văn Quang

Ông Đỗ Văn Quang

Cục Kiểm định hải quan (KĐHQ) nói riêng và cơ quan hải quan nói chung tiếp tục tăng cường việc phối hợp, trao đổi thông tin với các bộ quản lý chuyên ngành trong công tác kiểm soát hàng hóa tại cửa khẩu; áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu, qua đó giảm thủ tục thông quan hàng hóa cho DN…

- PV: Đề án giao cơ quan hải quan làm đầu mối thực hiện KTCN tại cửa khẩu có sự hợp tác của các bộ, ngành, vậy ông có nhận xét gì về cải cách này?

- Ông Đỗ Văn Quang: Đề án có nêu lên 7 nội dung cải cách trong đó có nội dung cơ thử nghiệm, giám định hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, đề án đã nêu rõ cơ quan hải quan gửi đến tổ chức chứng nhận để thực hiện chứng nhận hợp quy hoặc tổ chức giám định để thực hiện giám định (tổ chức này do DN lựa chọn và thông báo cho cơ quan hải quan). Điều này giúp tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có của xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Vì vậy, khi thực hiện theo mô hình mới, cơ quan hải quan cần cơ cấu, tổ chức nhân lực phù hợp, phối hợp với các bộ, ngành trong công tác đào tạo, chuẩn hóa quy trình, thủ tục, thiết bị đáp ứng yêu cầu kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Cục Kiểm định hải quan với vai trò hỗ trợ hải quan địa phương, cũng nỗ lực tiếp thu, học hỏi và cải tiến không ngừng để bắt kịp với yêu cầu cải cách công tác tác kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Tác động tích cực đến nền kinh tế

Theo đánh giá của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do Cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ tài trợ, việc triển khai thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm theo mô hình mới sẽ có những tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung. Cụ thể là sẽ giúp cắt giảm số lô hàng cần phải kiểm tra, giảm chi phí thương mại, khuyến khích tăng trưởng. Đối với doanh nghiệp nhập khẩu sẽ tiết kiệm được chi phí do thời gian kiểm tra giảm, tỷ lệ số tờ khai phải kiểm tra trong năm cắt giảm khoảng hơn 50%.

Để đảm bảo công tác phân tích, kiểm định hải quan, Cục KĐHQ tiếp tục tăng cường đào tạo, nâng cao chuyên môn cho cán bộ công chức, chuẩn hóa quy trình, máy móc, thiết bị phòng thí nghiệm, tiếp tục xây dựng và mở rộng chỉ tiêu cho các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025:2017 (Vilas) để đáp ứng số lượng và chất lượng kiểm tra chung tay với lực lượng hải quan hoàn thành nhiệm vụ được giao theo mô hình mới.

- PV: Đề án có đề ra lộ trình triển khai từ năm 2020 đến 2026, ông đánh giá thế nào về lộ trình này?

- Ông Đỗ Văn Quang: Lộ trình triển khai đề án được chia 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2020 đến năm 2023; giai đoạn 2 từ năm 2023 đến năm 2026. Giai đoạn 1 tập trung vào việc ban hành nghị định về quy chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; đánh giá, tổng kết việc thực hiện đề án. Giai đoạn 2 thực hiện rà soát, sửa đổi bổ sung các luật quản lý chuyên ngành và các văn bản liên quan báo cáo các cấp có thẩm quyền theo hướng áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất...

Như vậy, việc thực hiện theo lộ trình trong 6 năm là rất quan trọng và phù hợp, đảm bảo có bước chuyển đổi, đánh giá việc thực hiện để đề xuất, điều chỉnh nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo phù hợp với thực tế, linh hoạt, mang lại hiệu quả cải cách tốt nhất.

- PV: Xin cảm ơn ông!

Hải Linh (thực hiện)