HTN

Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh quốc phòng Hồ Trọng Ngũ phát biểu tại buổi họp. Ảnh: TTXVN

Giảm từ 51 xuống còn 11 ngành nghề cấm kinh doanh

Theo ban soạn thảo, hiện có 51 ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh trong nhiều văn bản luật. Qua rà soát, dự kiến Danh mục cấm đầu tư kinh doanh giảm còn 11 ngành, nghề bao gồm:

Kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài , phương tiện chuyên dùng quân sự, công an…, trừ trường hợp được Nhà nước đặt hàng; Kinh doanh các chất ma túy; Kinh doanh các loại hóa chất bảng 1 theo công ước quốc tế; Kinh doanh các loại pháo, trừ pháo tín hiệu, pháo hỏa thuật theo quy định; Kinh doanh mại dâm; Mua, bán người và nội tạng người; Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã quý hiếm; Các hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người; Kinh doanh các loại động vật biến đổi gien; Kinh doanh văn hóa phẩm xâm phạm an ninh quốc gia, đạo đức xã hội; Kinh doanh hàng giả, hàng độc hại, trừ các mặt hàng thuộc danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện nay toàn bộ ngành, nghề này và các điều kiện kinh doanh liên quan được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định phân tán tại 391 văn bản pháp luật.

Các điều kiện kinh doanh được thể hiện đa dạng dưới nhiều hình thức như giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định, giấy đăng ký, chấp thuận... Phần lớn các điều kiện kinh doanh được quy định dưới hình thức Giấy phép hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Đây cũng là loại điều kiện kinh doanh dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình xin cấp phép, cấp chứng nhận. Sau quá trình rà soát, UBTVQH và cơ quan soạn thảo đề nghị bãi bỏ 51 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong đó Bộ Xây dựng được đề nghị bãi bỏ nhiều nhất với 15 ngành nghề. Bộ Công thương có 11 ngành nghề, Bộ Giao thông Vận tải có 9 ngành nghề.

Đề nghị chuyển kinh doanh vũ khí, khí tài... sang danh mục có điều kiện

Tại buổi họp sáng 9/9, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Hồ Trọng Ngũ cho rằng, việc quy định các ngành cấm đầu tư, kinh doanh, kinh doanh có điều kiện cần được rà soát kỹ lưỡng, bởi nó ảnh hưởng đến an ninh trật tự, quốc phòng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Có những ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, nhưng chưa tính đến chiến lược phát triển lâu dài. ĐB Hồ Trọng Ngũ nêu vấn đề về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh đầu tiên là vũ khí, quân dụng, khí tài, quân trang… “Cấm như vậy đã phù hợp với chủ trương phát triển của chúng ta hay chưa khi Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị đã nói phát triển công nghiệp quốc phòng là một bộ phận của công nghiệp quốc gia. Nếu cấm làm sao phát triển được, trong khi năng lực hiện nay để đáp ứng nhu cầu là rất hạn chế?”. Vì vậy, ĐB cho rằng cấm kinh doanh là không chính xác, mà phải là kinh doanh có điều kiện và phải tạo điều kiện để các ngành nghề tham gia vào lĩnh vực này.

ĐB cũng nêu ra một số quy định chưa phù hợp trong nội dung 11 ngành nghề cấm. Ví dụ như cấm kinh doanh mua bán nội tạng người. Trên thực tế, đây không phải là ngành nghề kinh doanh mà là hành vi đã bị nghiêm cấm trong Luật hình sự, vì vậy không thể đưa vào danh mục cấm kinh doanh.

Hay việc cấm kinh doanh hàng giả và mặt hàng độc hại mà lại trừ mặt hàng thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Như vậy vô hình chung là thừa nhận có những mặt hàng giả, độc hại nhưng lại được kinh doanh, dù có điều kiện.

Một số ngành nghề cấm được các ĐB cho rằng khó xác định cụ thể, dễ bị lợi dụng như cấm kinh doanh văn hoá phẩm xâm hại đến đạo đức xã hội, an ninh quốc gia. Quy định này rất chung chung, mặc dù đồng ý hành vi này cần cấm nhưng khó xác định rõ đây là một nghề.

Tương tự, việc cấm ngành nghề có nguy cơ xâm phạm đến đạo đức, lợi ích, trật tự xã hội. Theo ĐB Hồ Trọng Ngũ, tất cả mọi nghề hiện nay đều có nguy cơ xâm phạm đến các yếu tố lợi ích, trật tự, an toàn xã hội... Quy định như vậy sẽ dẫn đến sau này dễ bị lợi dụng để tạo ra điều cấm, xử phạt, gây bất lợi cho người dân.

Ở một khía cạnh khác, ĐB Trần Du Lịch cho rằng nên quy định rõ ràng, đã là ngành nghề cấm kinh doanh thì “tuyệt đối không ai được làm”. Không nên cấm nhưng lại quy định doanh nghiệp nhà nước hoặc một số chủ thể được làm. Nếu có các trường hợp như vậy thì đó phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện./.

Hoàng Yến