Giao dịch thương mại điện tử còn nhiều trường hợp "né" thuế

Tại hội thảo “Thuế đối với thương mại điện tử (TMĐT) và dịch vụ số xuyên biên giới: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” vừa diễn ra mới đây, ông Viên Viết Hùng – Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội nhận định, trước sự phát triển mạnh của TMĐT như hiện nay, việc sử dụng những công cụ, biện pháp quản lý nói chung và quản lý thuế nói riêng đối với hoạt động kinh tế truyền thống, xuất hiện nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý đối với hoạt động TMĐT. Mặt khác, công tác phối hợp quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT chưa đồng bộ dẫn đến những thiếu sót trong công tác quản lý.

“Thực tế phát sinh trên địa bàn TP. Hà Nội cho thấy, số lượng các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT ngày càng gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, tình trạng các chủ thể tham gia thực hiện các giao dịch mua, bán hàng hóa, dịch vụ trong môi trường điện tử nhưng không thực hiện các thủ tục đăng ký thuế, không kê khai thuế, không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các phát sinh trong giao dịch TMĐT tồn tại khá phổ biến. Việc này dẫn đến các chủ thể bị vi phạm về thuế, có thể bị xem xét về hành vi trốn thuế theo quy định của pháp luật thuế. Đồng thời, việc không quản lý tốt các khoản thu phát sinh từ hoạt động TMĐT cũng gây thất thu cho ngân sách nhà nước, dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các chủ thể trong nền kinh tế” – ông Hùng chia sẻ.

Nguồn: Cục Thuế TP. Hà Nội Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Cục Thuế TP. Hà Nội Đồ họa: Thế Dương

Trước yêu cầu cấp thiết trong công tác quản lý thuế, phổ biến cho người dân hiểu rõ trách nhiệm của mình, Cục Thuế TP. Hà Nội đã xác định việc quản lý loại hình kinh doanh trên mạng là cần thiết, tập trung hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích người kinh doanh đăng ký theo quy định của Luật Quản lý thuế và tự giác thực hiện nghĩa vụ theo quy định.

Cụ thể, Cục Thuế TP. Hà Nội đã hoạch định các chương trình, kế hoạch triển khai, đồng thời tăng cường nhiều biện pháp quản lý, trong đó xác định việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, chống thất thu ngân sách là một trong những khâu đột phá, quan trọng nhất để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý thuế. Cùng với đó, cục thuế đẩy mạnh việc phối hợp với các ngân hàng thương mại, thanh tra giám sát ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán, trung gian vận chuyển để thu thập cơ sở dữ liệu, thực hiện phân tích, phân loại người nộp thuế (NNT) để áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp...

Hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý thuế

Ngoài việc kiên trì hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật thuế đến người nộp thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội còn xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với một số trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn. Đặc biệt tổ chức quản lý giám sát đối với trường hợp cố tình không đăng ký thuế sẽ thực hiện các giải pháp thu thập, xác minh thông tin để quản lý theo quy định của pháp luật.

Ông Viên Viết Hùng cho biết, hiện Cục Thuế TP. Hà Nội đã xây dựng được cơ sở dữ liệu của 32.084 cơ sở kinh doanh có hoạt động bán hàng online; có 1.194 cá nhân trên địa bàn hoạt động TMĐT nhận thu nhập từ các tổ chức nước ngoài Google, Facebook; 2.307 cơ sở cho thuê nhà/lưu trú để đưa vào diện quản lý thuế từ năm 2021. Đến nay đã có trên 2.000 cá nhân thực hiện các thủ tục đăng ký kê khai thuế. Thống kê của Cục Thuế TP. Hà Nội cho thấy, số thu nộp ngân sách từ hoạt động TMĐT năm 2020 là 134 tỷ đồng, năm 2021 số nộp ngân sách là 129,3 tỷ đồng.

Dự báo thương mại điện tử đạt 39 tỷ USD vào năm 2025

Dự báo thị trường thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025, đưa Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực ASEAN về phát triển TMĐT. Để nâng cao hiệu quả trong quản lý thuế hoạt động TMĐT, ngoài việc ban hành các thông tư quy định về quản lý thuế hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, Bộ Tài chính đã ban hành đề án “Quản lý thuế đối với TMĐT tại Việt Nam”. Theo lộ trình tại đề án, đến hết năm 2023, cơ quan thuế sẽ tập trung các giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; hiện đại hóa công tác quản lý thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro; phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi kết nối thông tin; củng cố địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ cho một số vụ/đơn vị để đáp ứng quản lý chuyên sâu đối với hoạt động TMĐT.

Mặc dù đã đạt được kết quả tích cực, song lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện, cơ quan thuế còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Việc xây dựng cơ sở dữ liệu khó khăn do dữ liệu cung cấp từ phía các ngân hàng, trung gian thanh toán, trung gian vận chuyển còn chưa kịp thời. Nhiều đơn vị còn chưa có nhận định đúng về việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.

Trong việc xác minh thông tin của cá nhân, do thông tin giao dịch ngân hàng không được cập nhật thường xuyên, cơ quan thuế phải thu thập thông tin của thời gian trước thời điểm phát sinh, sau đó mới thực hiện công tác xác minh, dẫn đến tại thời điểm xác minh cá nhân đã chuyển đi nơi khác, không liên hệ được với người nộp thuế, dẫn đến công tác quản lý thuế gặp rất nhiều khó khăn.

Trên cơ sở thực tiễn triển khai, lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội cho rằng, cần sớm hoàn thiện quy định pháp lý thuế đối với hoạt động TMĐT, quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của từng ngành, cơ quan, tổ chức khi tham gia công tác quản lý thuế. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tích cực theo hướng công khai, minh bạch quá trình xử lý giải quyết hồ sơ và các thông tin cần thiết cho người dân, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến với người dân để người dân hiểu, chủ động thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định...