TVH

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu phát biểu tại phiên họp sáng ngày 15/7. Ảnh: TTXVN

Hoàn thiện tên gọi của Luật

Tại phiên họp sáng nay, tên gọi của dự án Luật là một vấn đề được đóng góp nhiều ý kiến. Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên tên gọi của dự án Luật theo Nghị quyết 23 của Quốc hội là “Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh”. Một số ý kiến đề nghị đổi tên gọi theo Tờ trình số 156 của Chính phủ là “Luật đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Báo cáo về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, sau khi tiếp thu các ý kiến, Ủy ban Kinh tế và Ban soạn thảo đề nghị được giữ tên gọi như Nghị quyết của Quốc hội và bổ sung chữ “tại doanh nghiệp” thành “Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp”.

Theo Thứ trưởng, việc bổ sung này thể hiện rõ hơn phạm vi điều chỉnh của luật là vốn nhà nước đầu tư vào DN. Trong dự thảo, phạm vi điều chỉnh của Luật đã được khảo sát kỹ ngay từ đầu để không trùng với Luật Đầu tư công. Việc điều chỉnh tên gọi như vậy vừa đúng với Nghị quyết của Quốc hội, vừa xác định rõ phạm vi điều chỉnh là tại DN, làm rõ 3 vấn đề: đầu tư, quản lý và giám sát vốn sau khi đã đầu tư vào DN.

Đồng thời, theo Ủy ban Kinh tế, tên gọi này bám sát theo tên gọi tại Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời làm rõ Nhà nước không trực tiếp tham gia vào sản xuất, kinh doanh mà phải thông qua DN. Đối với các tổ chức kinh tế khác sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đã được điều chỉnh tại các luật liên quan như Luật NSNN, Luật Đầu tư công,... Ngoài ra, tên gọi này cũng bao hàm cả việc đầu tư vốn nhà nước vào các DN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội với mục tiêu phi lợi nhuận.

Lựa chọn mô hình đại diện chủ sở hữu

Mô hình đại diện chủ sở hữu cũng là vấn đề đang được bàn bạc nghiên cứu. Đối với vấn đề này, cơ quan soạn thảo đề xuất giữ nguyên mô hình như hiện nay. Theo đó Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước; Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DN do mình quyết định thành lập, hoặc được giao quản lý và đối với vốn nhà nước đầu tư tại DN khác; Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty trực tiếp thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN theo quy định của pháp luật.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị, xác định rõ hơn mô hình đại diện chủ sở hữu, xóa bỏ cơ chế bộ, ngành chủ quản; nghiên cứu thực hiện mô hình tập trung, có thể giao cho một cơ quan thực hiện quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại DN. Ủy ban Kinh tế đề xuất phương án thành lập một cơ quan độc lập thuộc Chính phủ hoạt động theo Luật này, thực hiện việc quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại DN.

Báo cáo trước UBTVQH, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cho biết, hiện có 3 mô hình được đưa ra. Mô hình thứ nhất là thành lập một ủy ban, cơ quan ngang Bộ. Mô hình thứ 2 là giữ như hiện tại. Mô hình thứ 3 là thành lập Tổng cục quản lý vốn nhà nước tại DN, nâng cấp từ SCIC. Mỗi mô hình đều có ưu điểm, nhược điểm riêng và hiện nay đang được tiếp tục nghiên cứu để có phương án tối ưu trình ra Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương. Vì vậy, dự thảo đã được bổ sung khái niệm về đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với mô tả đầy đủ về chức năng, quyền hạn để sau khi quyết định được mô hình nào thì sẽ áp dụng vào điều khoản này.

Đảm bảo bình đẳng thu nhập trong DN có vốn nhà nước

Quan tâm đến với vấn đề thu nhập của người lao động, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai nêu ý kiến, cần có sự bình đẳng về các quy định lương thưởng trong DN có vốn nhà nước với các DN còn lại. Vì vậy, bà Trương Thị Mai đề nghị điều 34, 35 trong dự thảo luật cần phù hợp với Luật Lao động, hoặc có quy định chặt chẽ hơn, để tránh tình trạng DNNN trả lương cao hơn các DN khác, trong khi làm ăn không hiệu quả.

Một số ý kiến đại biểu cũng đề nghị, xem xét tiền lương phải dựa trên hiệu quả hoạt động của DN, bảo đảm tương quan với bình quân chung của DN và xã hội, tránh sự bất bình đẳng quy định lương người quản lý DN quá cao trong khi lương của công nhân quá thấp.

Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế cho biết, quy định tại các điều 34, 35 của dự thảo Luật đã xác định quỹ tiền lương của người lao động phải gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động, phù hợp với vị trí, chức danh công việc, trình độ chuyên môn kỹ thuật. Riêng đối với quỹ tiền lương của người quản lý DN, ngoài hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn phải gắn với tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc của từng người quản lý DN.

Bên cạnh đó, các thành viên UBTVQH cũng đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung khác của dự thảo. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý vấn đề quản lý chặt chẽ vốn đầu tư của DN ra nước ngoài, bởi đây là lĩnh vực rất nhiều rủi ro.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị quy định vốn Nhà nước chỉ nên tập trung vào những lĩnh vực mà tư nhân không làm được, như đầu tư vào vùng sâu vùng xa, phát triển công nghệ an ninh quốc phòng,…

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu ý kiến, mặc dù cần công khai minh bạch việc đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại DN; tuy nhiên không nên công khai trong mọi vấn đề, mọi đối tượng. Cần làm cụ thể xem nên công khai ở mức độ nào, vấn đề nào và với những đối tượng nào. “Thương trường là chiến trường, vì thế phải có lúc công khai, lúc bí mật”, ông Ksor Phước nói./.

Hoàng Yến