Nhiều chính sách an sinh xã hội được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định

Trong năm 2021, truớc tình hình phức tạp của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động (NLĐ) và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), Chính phủ đã tiếp tục ban hành cũng như trình Quốc hội ban hành các chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động (SDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH). Kết quả, tính đến ngày 31/12/2021 đã thực hiện tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất cho hơn 2,7 nghìn đơn vị, với số tiền tạm dừng đóng là hơn 1,8 nghìn tỷ đồng; thực hiện giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm (BH) tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 375 nghìn đơn vị, với số tiền giảm là hơn 1,9 nghìn tỷ đồng; giảm mức đóng vào Quỹ BH thất nghiệp (BHTN) cho hơn 346 nghìn đơn vị, với số tiền giảm đóng là hơn 2,1 nghìn tỷ đồng; đã chi trả hỗ trợ bằng tiền cho hơn 12,9 triệu NLĐ với số tiền hỗ trợ khoảng hơn 30,8 nghìn tỷ đồng từ Quỹ BHTN...

Đoàn công tác của Bộ Công an và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam kiểm tra tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Anh Thư
Đoàn công tác của Bộ Công an và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam kiểm tra tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Anh Thư

Cũng trong năm 2021, Quỹ Hưu trí và tử tuất đã thực hiện chi trả cho hơn 2,18 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, với số tiền chi trả trong năm hơn 131,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% (so với năm 2020). Số tiền đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đạt hơn 5,84 nghìn tỷ đồng, tăng 7,22%. Kinh phí chi trả trợ cấp một lần là hơn 39,6 nghìn tỷ đồng, tăng 15,74%. Quỹ BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đảm bảo chi trả cho hơn 53,3 nghìn người hưởng trợ cấp hàng tháng, với số tiền chi trả trong năm là 672 tỷ đồng, tăng 5,33%…

Cũng theo báo cáo này, qua công tác thanh tra, kiểm tra số lao động chưa tham gia BHXH và tham gia thiếu được phát hiện tăng 25%; số lao động đóng thiếu mức đóng phát hiện được tăng 16%; số tiền yêu cầu thu hồi về Quỹ BHXH do hưởng chế độ sai quy định tăng 82%. Kết quả thanh tra, kiểm tra đã có tác động mạnh mẽ đến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tăng thu, góp phần ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, bảo vệ kịp thời quyền lợi cho NLĐ.

Cần “mạnh tay” với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội

Phiên họp toàn thể lần thứ 7 cuối tháng 9 mới đây tại TP. Hồ Chí Minh của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH còn diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân một mặt do ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh Covid-19. Mặt khác, một số địa phương, người SDLĐ chưa thực sự quan tâm đúng mức đến chính sách BHXH. Một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH còn gặp khó khăn, vướng mắc, chưa đạt được hiệu quả, đơn cử như công tác khởi kiện, xử lý hình sự...

Theo nhận định của đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai, đến cuối năm 2021 có hơn 29.500 đơn vị với khoảng 200.000 lao động tại các đơn vị đã phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn còn chậm đóng BHXH, BHTN. Số đơn vị và số nợ tồn tích từ nhiều năm và đây thực chất là các đơn vị SDLĐ không còn hoạt động, như vậy cần có giải pháp để bảo về quyền lợi NLĐ. Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc dẫn đến việc xử lý hình sự tội danh liên quan đến BHXH đến nay chưa triển khai được.

Báo cáo giải trình với Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, đối với việc chậm đóng BHXH, thời gian qua BHXH Việt Nam và các bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ để có các phương án xử lý nhằm bảo vệ quyền lợi NLĐ. Đặc biệt, từ tháng 1/2022, Bộ Công an và BHXH Việt Nam đã ký kết quy chế phối hợp toàn diện. Ngày 14/9 vừa qua, Bộ Công an và BHXH Việt Nam thống nhất có đoàn phối hợp giữa 2 ngành đi các địa phương để đôn đốc, với 3 mục tiêu là phối hợp, xử lý các vướng mắc.

Phát hiện và truy thu nhiều trường hợp tham gia, thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Năm 2021, qua thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tại 7.291 đơn vị, đã phát hiện và yêu cầu truy thu 14.025 lao động chưa tham gia, thiếu thời gian với số tiền 92,8 tỷ đồng; 27.977 lao động đóng thiếu mức đóng với số tiền 34,7 tỷ đồng; thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế số tiền 2,426 tỷ đồng trên tổng số nợ khi ban hành quyết định thanh tra là 2,537 tỷ đồng.

Về cách thức để thông tin tình trạng đóng BHXH, ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, hiện nay ngành BHXH Việt Nam có thế mạnh về chuyển đổi số, với trên 30 triệu người cài VssID và sẽ nắm được thông tin đóng BHXH. Qua đó ngành sẽ thực hiện giám sát cùng các cơ quan nếu đơn vị chậm đóng cho NLĐ. Đồng thời, theo quy định, cứ 6 tháng cơ quan BHXH công khai danh sách đơn vị chậm đóng BHXH...

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung, cần có giải pháp xử lý phù hợp đối với các DN phá sản không có khả năng thu hồi nợ BHXH. Đối với tình trạng DN đã chây ì, dẫn đến khó khắc phục nợ, cần phân loại và giao cho ngành BHXH cùng Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Xã hội trình Quốc hội để xin ý kiến xử lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, cần có giải pháp mạnh đối với vấn đề chậm đóng, nợ đọng và trốn đóng BHXH. Đến cuối năm 2022 phải đưa ra tòa một số vụ việc, mục đích là để thu hồi khoản chậm đóng để đảm bảo quyền lợi NLĐ và tác dụng răn đe với DN khác.