Nâng bước” học sinh nghèo đến trường

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh được ban hành, đặc biệt là đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở vùng dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013, đến năm 2016 Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Sự ra đời của các chính sách hỗ trợ cho học sinh thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc quan tâm, chăm lo đến sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là chăm lo cho các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tạo động lực cho việc phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, rút ngắn khoảng cách về giáo dục, đào tạo và chất lượng cuộc sống giữa các địa phương trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Cục Dự trữ Nhà nước Nam Tây Nguyên cấp phát gạo cho các em học sinh khó khăn tại Cư Kuin. Ảnh: Hai Tuấn
Cục Dự trữ Nhà nước Nam Tây Nguyên cấp phát gạo cho các em học sinh khó khăn tại Cư Kuin. Ảnh: Hai Tuấn

Qua 10 năm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên được Tổng cục Dự trữ Nhà nước giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi và thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh trên địa bàn 3 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Để công tác triển khai thực hiện công tác giao nhận gạo học sinh có hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng, hàng năm đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, hướng dẫn, xác định đối tượng, khoảng cách từ nhà đến trường; tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh, học sinh làm thủ tục hưởng chính sách đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định. Đồng thời, phối hợp, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách được Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp huyện, các trường quan tâm triển khai thực hiện.

Thực hiện chính sách này từ năm 2013 đến nay, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên đã xuất cấp (không thu tiền) hơn 22.551 tấn gạo, trung bình mỗi năm xuất cấp hơn 2.255 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia giao cho các địa phương để hỗ trợ học sinh nghèo. Tổng số lượng học sinh đã được thụ hưởng khoảng 167.045 lượt, mỗi năm có khoảng hơn 16.704 em học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi được thụ hưởng.

Sau nhiều năm triển khai thực hiện Nghị định 116 trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, tỷ lệ học sinh ra lớp được giữ vững và duy trì với tỷ lệ ngày càng cao, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm nhiều, cơ bản khắc phục tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, nhất là đối tượng học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số ít người. Chất lượng giáo dục được nâng lên rất nhiều so với trước đây, giáo dục kỹ năng sống, tinh thần đoàn kết, hòa đồng, tập thể của học sinh được nâng cao, thể chất học sinh phát triển tốt hơn...

Vẫn tồn tại nhiều khó khăn trong thực thi chính sách

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên còn có những hạn chế, khó khăn như: việc nắm bắt chế độ chính sách của một số bộ phận phụ huynh còn hạn chế, chưa cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin của học sinh; công tác phối hợp hoàn thiện hồ sơ xét duyệt hưởng chế độ hỗ trợ của học sinh đôi khi còn chậm…

Để thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ cho học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện khó khăn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, cần tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp.

Từ năm 2013 đến nay, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên đã xuất cấp hơn 22.551 tấn gạo, trung bình mỗi năm xuất cấp hơn 2.255 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia giao cho các địa phương để hỗ trợ học sinh nghèo. Tổng số học sinh đã được thụ hưởng khoảng 167.045 lượt, mỗi năm có khoảng hơn 16.704 em học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi được thụ hưởng.

Theo đó, các cấp chính quyền ở cơ sở cần phối hợp với các trường trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ; xác định đối tượng thụ hưởng, khoảng cách từ nhà đến trường, xác minh thông tin của học sinh,… Thực hiện, quản lý chế độ, chính sách của học sinh đúng, đủ, công khai, minh bạch.

Đồng thời, các sở, ngành các tỉnh phối hợp với UBND cấp huyện kịp thời phân bổ, bổ sung kinh phí hàng năm cho các cơ sở giáo dục thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh; quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp kho chứa gạo khi được cấp nhằm nâng cao công tác bảo quản chất lượng gạo.Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh.

Chính sách hỗ trợ học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tạo điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số nghèo, ở xa trường đều được tham gia học tập, tạo động lực tích cực cho học sinh tham gia học tập, hạn chế tình trạng bỏ học, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong hệ thống các trường học trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương; góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian tới.