Quy trách nhiệm đến cá nhân trong phê duyệt đầu tư

Trình bày trước phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, việc nghiên cứu xây dựng Luật Đầu tư công nhằm tạo ra cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, nợ đọng kéo dài, kém hiệu quả hiện nay.

Dự án Luật lần này tập trung vào 7 nhóm vấn đề chính, trong đó có vấn đề thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án công, lĩnh vực mà theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là gây thất thoát, lãng phí nhiều nhất. Theo dự thảo, tất cả các chương trình, dự án đầu tư công phải được người có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Điều này sẽ làm rõ được trách nhiệm của các cấp, các ngành và từng cá nhân trong từng khâu của quá trình lập, thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đánh giá về báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí về cơ bản với Tờ trình và sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, Thường trực ủy ban này lưu ý cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, người có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, vốn tăng so với dự toán, gây thất thoát, lãng phí. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm quy định về các hành vi bị cấm trong đầu tư công quy định tại Điều 10 của dự án Luật để tăng thêm tính nghiêm minh của pháp luật.

Tại phiên họp, các đại biểu lưu ý rằng cần có những quy định cụ thể để tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp giữa Luật Đầu tư công với các luật có liên quan. Lý do là việc quản lý đầu tư công đang được thực hiện theo quy định của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,... ; các Nghị định, Thông tư và các quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành,...

Trúng thầu giá nào phải thanh toán giá đó

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh vào vấn đề Luật phải quy định cụ thể về giá khi đấu thầu, trúng thầu bao nhiêu thì thanh toán bấy nhiêu. Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ, nhiều trường hợp giá trúng thầu chỉ 100 tỷ đồng nhưng giá thanh toán lên đến vài trăm tỷ đồng. Giá thanh toán được điều chỉnh vì đủ mọi lý do, kể cả lý do tăng lương tối thiểu, lạm phát… Đây là điều không hề có trong thông lệ quốc tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, phải quy định rõ chỉ những điều kiện bất khả kháng thực sự như thiên tai mới được điều chỉnh giá. “Các nhà thầu đều mua bảo hiểm, để phòng trừ rủi ro, tại sao lại cứ tính vào giá để điều chỉnh giá thầu" - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.

Không chỉ tạo cơ hội cho tham nhũng, lãng phí, việc điều chỉnh giá dự toán còn phá cả kế hoạch về cân đối ngân sách. Bên cạnh đó, cần phải tính toán, cân đối quan hệ giữa vốn đầu tư hàng năm và năm năm. "Cho dù chi tiêu một đồng ngân sách cũng phải có kế hoạch", Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Sẽ "phanh" hiện tượng đầu tư dàn trải

Giải trình trước UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, về cơ bản các luật không có chồng chéo, vướng mắc nhiều, Bộ sẽ tiếp tục rà soát để điều chỉnh.

Về đấu thầu, Bộ trưởng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của UBTVQH, chấm dứt tình trạng chỉnh sửa dự toán và đặt ra nguyên tắc giá trọn gói. Tuy nhiên, nếu kinh tế vĩ mô, chính sách thay đổi quá lớn, thì được chuyển sang chính sách không trọn gói.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Luật Đầu tư công khi ban hành sẽ hạn chế tối đa việc bố trí đầu tư tràn lan, dàn trải nhiều năm. Với các quy định cụ thể về chủ trương đầu tư, kế hoạch, thẩm định vốn cụ thể, sẽ ngăn được tình trạng tỉnh cứ quyết làm, sau đó thiếu tiền thì xin Trung ương, sẽ không có tình trạng những con đường kéo dài tới 10 – 15 năm.

Luật có thể chưa hoàn thiện, nhưng phù hợp với tình trạng nước ta hiện nay, phù hợp với lòng dân và các quy định của các tổ chức quốc tế, mang lại hiệu quả trong việc “phanh” lại tình trạng đầu tư tràn lan, dàn trải, gây thất thoát, lãng phí nhiều năm qua./.

Hoàng Yến