ìno

Nguồn: TTXVN

Tuy nhiên trong cuộc chiến ấy, Việt Nam đã làm nên kỳ tích, khi là quốc gia hiếm hoi trên thế giới duy trì được trạng thái “bình thường” trong bối cảnh cả thế giới đang phải căng mình đối phó với dịch bệnh. Đây là một trong những dấu ấn, thành công nổi bật của Đảng, Chính phủ, góp phần nối dài thêm “bảng thành tích” trong cả nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Sức mạnh của ý Đảng, lòng dân

Đã 11 tháng từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, tính đến ngày 9/12/2020, cả nước ghi nhận tổng cộng 1.381 ca mắc Covid-19, 1.225 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và có 35 trường hợp tử vong. Nếu tính số ca mắc trên tổng số dân và số ca tử vong trên tổng số người nhiễm, Việt Nam được đánh giá là quốc gia kiểm soát dịch thành công.

Thành quả chung của cả dân tộc

Thành công trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của nước ta trong thời gian qua là thành quả chung của cả dân tộc. Kết quả cuộc điều tra xã hội học, tìm hiểu dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, có đến 97% người dân được hỏi đều thể hiện sự tin tưởng đối với các biện pháp của Đảng, Nhà nước trong phòng chống Covid-19.

Nhìn lại quá trình triển khai phòng chống dịch Covid-19, có thể thấy Việt Nam đã giành được thành quả từ một vạch xuất phát rất đáng lo. Khi dịch Covid-19 lan nhanh trên toàn cầu, Việt Nam – một quốc gia có độ mở vào loại cao nhất thế giới, có nguy cơ trở thành một “điểm nóng” về dịch Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta đã triển khai chống dịch theo từng bước chắc chắn và hiệu quả, không chỉ bám sát diễn biến dịch trên thế giới mà còn chủ động đi trước một bước, đưa ra các biện pháp ứng phó ở tầm mức cao hơn các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Những ngày cuối tháng 1/2020, khi người dân cả nước đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Canh Tý thì Việt Nam chính thức phát hiện hai ca nhiễm bệnh đầu tiên. Thời khắc cận kề chuyển giao sang năm mới, ngay đêm 29 Tết, Chính phủ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp, cả hệ thống chính trị được kích hoạt bắt đầu một cuộc chiến chống dịch. Liên tục những ngày sau đó, Chính phủ liên tục họp bàn nắm diễn biến của dịch, cùng với đó là hàng loạt mệnh lệnh được đưa ra từ những cuộc họp bất kể thời gian, sau đó được triển khai thần tốc đến từng địa phương. Khi tình hình dịch bệnh bước vào giai đoạn cam go, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết, chung sức, đồng lòng chống dịch. Thực hiện lời “hiệu triệu” của Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thống nhất một lòng quyết tâm phòng chống dịch, với tâm thế “mỗi khu phố là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ”.

Chính bởi ý Đảng, lòng dân đã “hòa chung làm một”, nên khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành những quy định được coi là “vô tiền khoáng hậu” như thực hiện giãn cách xã hội, dừng nhiều hoạt động xã hội, đóng cửa nhiều dịch vụ, hàng quán, bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng… thì cả xã hội đều nghiêm túc thực hiện.

Không chỉ có vậy, toàn xã hội còn thể hiện quyết tâm chống đại dịch Covid-19 bằng tâm thế, sức mạnh của truyền thống văn hóa Việt Nam. Những “chiến sỹ áo trắng” và những “người lính áo xanh” sẵn sàng đi đầu trên trận tuyến chống dịch. Hàng ngàn chiến sỹ ăn lán, ngủ rừng canh đường mòn lối mở, nhường doanh trại cho dân từ những ngày tết gió rét, mưa dầm đến những tháng hè nắng nóng như thiêu dọc tuyến biên giới…

Rất nhiều doanh nghiệp đóng góp vật tư, thiết bị và cả kinh phí cho chống dịch. Những mô hình “ATM gạo”, “Siêu thị 0 đồng”, “Siêu thị khẩu trang”... giúp đỡ thiết thực nhiều người nghèo trong giai đoạn khó khăn. Nhiều chủ nhà đã miễn giảm, không thu tiền thuê trọ cho công nhân, sinh viên, người nghèo… Nhiều chuyến bay từ Việt Nam đã đi vào những tâm dịch đón sinh viên, người lao động nước ngoài trở về quê hương theo đúng tinh thần mà Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh “không để một ai bị bỏ lại ở phía sau” trong đại dịch Covid-19.

Quyết liệt nhưng bình tĩnh

Thời điểm trung tuần tháng 4/2020, khi tình hình dịch bệnh trong nước bước đầu được kiểm soát, Chính phủ nhanh chóng chuyển trọng tâm thực hiện “mục tiêu kép” – vừa khôi phục, phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch hiệu quả. Còn nhớ chiều 15/4, cả nước, đặc biệt là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh rất hồi hộp chờ quyết định của người đứng đầu Chính phủ về việc tiếp tục hay nới lỏng giãn cách xã hội. Thủ tướng khi đó thẳng thắn cho biết đây là quyết định khó khăn, bởi nhiều ý kiến mong chờ “gỡ” Chỉ thị 16 để tiếp tục làm ăn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, Thủ tướng vẫn yêu cầu 28 tỉnh, thành phố có “nguy cơ cao” và “nguy cơ” lây nhiễm tiếp tục cách ly xã hội.

Một tuần sau, Thủ tướng đã quyết định cả nước chuyển sang giai đoạn chống dịch mới: nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội, đất nước chính thức bước vào giai đoạn “bình thường mới” từ cuối tháng 4. Sau thời điểm đó, chúng ta đã ghi nhận thêm những đợt dịch bệnh quay trở lại cộng đồng khi xuất hiện những ca bệnh tại Đà Nẵng vào tháng 7 hay mới đây là tại TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, phát huy kinh nghiệm ứng phó với dịch có được từ đợt đầu, sự chỉ đạo ngày càng linh hoạt, hiệu quả hơn, cấp ủy, chính quyền các địa phương, ngành y tế triển khai bài bản hơn, người dân bình tĩnh hơn, quá trình khôi phục nền kinh tế không bị gián đoạn, mọi hoạt động trong xã hội cơ bản vẫn được đảm bảo ổn định…

Chính nhờ sự quyết liệt trong phòng chống dịch và linh hoạt chọn quyết sách, đến thời điểm này, có thể nói đất nước ta đã đạt được những thành công quan trọng trên cả hai “mặt trận” – chống dịch và phát triển kinh tế, khi dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt và nền kinh tế tăng trưởng khoảng 2 – 3%, dự báo là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.

Thành công trên cả hai mặt trận

Cuộc chiến đấu với đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn với nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, với sức mạnh của ý Đảng, lòng dân, với tinh thần và bản lĩnh Việt Nam, nhất định chúng ta sẽ giành thắng lợi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh, thắng lợi này là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống; là nhờ toàn thể người dân Việt Nam với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng khi đất nước gặp khó khăn.

Việt Nam trở thành điểm sáng trong việc khống chế, ngăn chặn đại dịch Covid-19 thành công, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao, góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Truyền thông Nga coi mô hình chống dịch Covid-19 của Việt Nam là “có một không hai”. Thời báo Berlin – Đức khẳng định: “Thành tích chống Covid-19 của Việt Nam thật phi thường và đáng kinh ngạc mà nhiều nước châu Âu phải học hỏi…”. Báo Le Monde – Pháp ca ngợi: “Ngoài đại thắng mùa Xuân năm 1975, Việt Nam có thêm một đại thắng mùa xuân năm 2020 đó là chiến thắng đại dịch Covid-19”.

Các hãng thông tấn lớn trên thế giới như Reuters, CNN, New York Times, BBC… cũng đã có nhiều bài viết ca ngợi sự kỳ diệu của Việt Nam trong phòng chống đại dịch.

Diệu Thiện