Mua hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng

Ai cũng biết, hàng lậu, hàng giả là một dạng lừa đảo mà người tiêu dùng (NTD) là nạn nhân. Trừ trường hợp NTD không có kiến thức phân biệt phải chịu mua lầm hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là đối với những NTD chưa từng sử dụng hàng thật, không có nhiều thông tin về mặt hàng mình đang mua mà chỉ dựa vào những gì được in trên bao bì hoặc nhận thông tin từ người bán hàng trực tiếp.

Luật gia Phan Thị Việt Thu khuyến nghị giải pháp chống hàng lậu, hàng giả hiệu quả. Ảnh Đỗ Doãn
Luật gia Phan Thị Việt Thu khuyến nghị giải pháp chống hàng lậu, hàng giả hiệu quả từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ảnh Đỗ Doãn

Theo Luật gia Phan Thị Việt Thu, việc cứ thấy giá rẻ là mua, vô hình trung gián tiếp tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái ngày càng chiếm thị phần trên thị trường, mà phổ biến hiện nay là các loại mỹ phẩm giả thương hiệu Hàn Quốc, Nhật Bản, các loại nước hoa Pháp đắt tiền nhưng giá rất rẻ được quảng cáo dưới chiêu bài hàng cận ‘‘date’’ (hạn sử dụng), hàng xả kho…

Theo quy định của pháp luật, người tiêu dùng phải thực thi nghĩa vụ công dân khi phát hiện hàng lậu, hàng giả, tức là phải có nghĩa vụ thông báo cho doanh nghiệp sản xuất hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, có không ít NTD do vấn đề tâm lý, sĩ diện, với suy nghĩ phải dùng hàng hiệu, hàng mắc tiền thì mới được thiên hạ nể nang, nhưng lại không dủ điều kiện kinh tế để sắm sửa những món hàng hiệu đắt tiền nên chấp nhận tìm mua hàng giả. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi có những cửa hàng tại các chợ ở TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng nhận đơn đặt hàng của NTD mua những loại hàng giả thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, cụ thể như các loại giỏ xách phụ nữ… với giá vài, ba triệu trong khi hàng thật có giá gấp 10 lần.

Để tránh bị lừa, NTD được khuyến nghị nên mua hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để có thể tự bảo vệ mình khi hàng có vấn đề về chất lượng. Còn đối với giới tiêu dùng thích dùng hàng giả hiệu để thể hiện đẳng cấp, thật sự khó có thể khuyến nghị bởi cần có sự thay đổi về quan niệm sống và đánh thức lòng tự trọng của họ.

Với những trường hợp này, phải dựa vào sự giáo dục, răn đe của pháp luật, như quy định chế tài cho cả người bán lẫn người mua như nhau. Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những hình phạt tịch thu hàng giả và phạt tiền người đang sử dụng khi bị phát hiện tại các sân bay quốc tế.

Cần sự hợp tác mạnh dạn của doanh nghiệp với cơ quan chức năng

Hàng giả dù tinh vi đến đâu thì cũng chỉ qua mắt, lừa được NTD, nhưng đối với nhà sản xuất (NSX) thì chỉ nhìn qua là nhận diện được ngay hàng không phải của mình, do NSX luôn có những dấu hiệu riêng trên sản phẩm mà người làm giả không thể nhận biết để bắt chước 100% được. Do đó, nếu muốn truy hàng giả thì NSX phải chỉ ra những dấu hiệu để phân biệt, tức là phải có sự chia sẻ thông tin của doanh nghiệp (DN) với cơ quan chức năng.

Chống hàng lậu, hàng giả: Cần sự ‘‘chung tay’’ từ người tiêu dùng và cả doanh nghiệp
Hàng giả bị cơ quan Hải quan phát hiện và lập biên bản vi phạm tại cảng Cát Lái (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh). Ảnh Đỗ Doãn.

Đối với hiện trạng một số DN, NSX trong nước và cả các nhà phân phối hàng nước ngoài, dù biết sản phẩm mình bị làm giả, nhưng không tố giác, hoặc thờ ơ cho qua, thì có ý kiến cho rằng DN lo ngại nếu làm lớn chuyện thì NTD sẽ biết và sẽ quay lưng với sản phẩm. Nhưng thực tế, đó chưa phải là lý do chính, mà còn có nguyên cớ sâu xa hơn, bởi họ cho rằng nếu phanh phui thì thiệt hại đối với họ có thể lớn hơn, nhất là đối với những hàng thương hiệu có nguồn gốc sản xuất từ nước ngoài.

Chia sẻ về thực tế này, Luật gia Phan Thị Việt Thu nhấn mạnh, việc hợp tác chống hàng lậu, hàng giả không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của DN, bởi hoạt động này là nhằm bảo vệ thương hiệu DN và môi trường kinh doanh lành mạnh. DN phải mạnh dạn tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng để tận dụng các biện pháp chế tài theo quy định của pháp luật đối với hàng lậu, hàng giả và kịp thời đưa ra những hình thức khuyến thưởng, động viên dành cho NTD phát hiện…

‘‘DN cũng nên dự liệu các chương trình thay đổi mẫu mã sản phẩm và thông báo, hướng dẫn để NTD nắm bắt, định kỳ tổ chức rà soát thị trường để phát hiện hàng giả, dù sẽ làm phát sinh chi phí sản xuất nhưng sẽ đem lại cái lợi lớn hơn, đó là thương hiệu sản phẩm DN được bảo vệ, sản phẩm ngày càng được NTD tin tưởng...’’ - Luật gia Phan Thị Việt Thu khuyến nghị.

Sự tích cực quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước như tìm đến nơi, truy đến chốn và nghiêm túc thực thi pháp luật đối với những đối tượng làm ăn bất chính, sản xuất hàng lậu, hàng giả chính là động cơ để thúc đẩy sự hợp tác của người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời làm chùn chân những kẻ vi phạm pháp luật.