chống-thất-thu-thuế-kinh-doanh-qua-mạng.jpg

Để công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh qua mạng mang lại hiệu quả cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng. Ảnh: Văn Tuấn

Ông Nguyễn Văn Luyện – Cục trưởng Cục Thuế Quảng Ngãi cho biết, những năm gần đây, hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội ngày càng phát triển. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc mua bán hàng trên mạng chiếm ưu thế, đem lại doanh thu “khủng” cho người kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp chuyên kinh doanh qua mạng (KDQM).

Ngành Thuế đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh này. Tuy nhiên hiện nay, việc quản lý thuế đối với hoạt động KDQM vẫn như “đuổi hình bắt bóng”. Để công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh này mang lại hiệu quả, “cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng”.

“Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) quy định khá rõ ràng rằng: Cá nhân kinh doanh không phân biệt kinh doanh theo hình thức truyền thống hay KDQM đều thuộc diện chịu thuế GTGT và thuế TNCN, nếu có phát sinh doanh thu từ trên 100 triệu đồng/năm trở lên. Cụ thể, mức thuế là 7% trên thu nhập, trong đó 5% thuế GTGT, 2% thuế TNCN. Song do các tổ chức, cá nhân KDQM trên địa bàn tỉnh chưa tự giác kê khai, còn ngành Thuế thì lực lượng mỏng chưa thể kiểm soát, nên chưa thể đưa vào diện quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên. Đây được cho là sự bất công bằng giữa các đối tượng kinh doanh và còn thất thu thuế cho ngân sách nhà nước” – ông Nguyễn Văn Luyện nhấn mạnh.

Nêu nguyên nhân dẫn đến việc quản lý thuế hoạt động kinh doanh này chưa được chặt chẽ, ông Luyện cho rằng, do hoạt động KDQM rất đa dạng, phạm vi kinh doanh rộng, không cần phải có cửa hàng, cửa hiệu, mà có thể diễn ra thuận tiện thông qua các thiết bị điện tử có kết nối Internet.

Ngoài ra, các trang bán hàng qua mạng không để số tài khoản như trước đây mà tất cả đều thông qua hình thức nhận tiền trực tiếp thông qua người giao hàng, nên ngành Thuế khó có thể xác định đúng doanh thu cũng như lợi nhuận của những cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Để công tác quản lý thuế hoạt động KDQM được chặt chẽ, đại diện Cục Thuế Quảng Ngãi cho rằng, nếu chỉ có ngành Thuế không thể làm được mà phải có sự phối hợp với các cơ quan chức năng như: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường, ngân hàng thương mại, công ty viễn thông, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng, các công ty bưu chính, chuyển phát, để thu thập, nắm bắt thông tin của các đơn vị có hoạt động thương mại điện tử.

Song song với đó, về mặt pháp luật cũng cần hoàn thiện các khung pháp lý, đề ra các chế tài quy định chặt chẽ về việc đăng ký kinh doanh. Cụ thể, cần yêu cầu tất cả các chủ trang mạng bán hàng phải công khai mã số thuế trên trang mạng; việc từ chối đồng nghĩa với kinh doanh trốn thuế. Từ đó, đưa vào quản lý hiệu quả đối với cá nhân, đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này, nhằm chống thất thu và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước./.

Văn Tuấn