Nhiều quy định mới để đảm bảo quyền, nghĩa vụ cho các bên

Sáng ngày 16/6/2022, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Cùng với nhiều nhóm nội dung mới khác, Luật lần này cũng đã bổ sung, sửa đổi nhiều quy định liên quan tới hợp đồng bảo hiểm để đáp ứng sự phát triển của thị trường bảo hiểm nói chung và chế định hợp đồng bảo hiểm nói riêng. Chế định hợp đồng bảo hiểm có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm.

Theo đó, để phù hợp với Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bổ sung, hoàn thiện quy định liên quan đến nội dung, hình thức, hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm; đồng thời, quy định rõ các trường hợp đơn phương, hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng; chuyển giao hợp đồng bảo hiểm…

Cùng với đó, để chuẩn hóa định chế về hợp đồng bảo hiểm, luật lần này đã phân loại rõ ràng các loại hợp đồng bảo hiểm; làm rõ đối tượng được bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm đối với từng loại hợp đồng bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản và thiệt hại, bảo hiểm trách nhiệm dân sự; minh bạch trong các thông tin cung cấp (quan trọng nhất đối với quyết định giao kết hợp đồng bảo hiểm), để tăng tính công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ khác đối với cả doanh nghiệp bảo hiểm lẫn bên mua bảo hiểm.

Chuẩn hóa quy định về hợp đồng bảo hiểm sẽ tăng tính công bằng giữa bên mua và bên bán
Quy định mới về hợp đồng bảo hiểm sẽ góp phần hạn chế các tranh chấp trên thị trường.

Bên cạnh đó, để tôn trọng quyền tự thỏa thuận giữa các bên trong giao kết hợp đồng bảo hiểm, luật mới bổ sung các nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, quyền thỏa thuận giữa các bên để xây dựng hợp đồng bảo hiểm; bổ sung thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm.

Ngoài ra, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhằm giảm thiểu tranh chấp phát sinh trong thời gian qua, luật đã bổ sung quy định yêu cầu về trách nhiệm cung cấp thông tin, các vấn đề liên quan đến trả tiền bảo hiểm; cũng như bổ sung cơ sở cho hợp đồng bảo hiểm nhóm...

Rõ ràng để hạn chế tối đa việc hiểu nhầm dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện

Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, các quy định về hợp đồng bảo hiểm trong Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) chính là khung khổ pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đây là nội dung cốt lõi xác lập quan hệ giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm.

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm là hoạt động có tính đặc thù cao, doanh nghiệp bảo hiểm khi ký hợp đồng chỉ bán lời cam kết và khách hàng sẽ nhận tiền bảo hiểm một thời gian sau đó, có thể là một năm, một vài năm, hoặc có trường hợp sẽ không nhận được tiền bảo hiểm khi các rủi ro không xảy đến với khách hàng, các quy định về thời gian chờ trong bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm trùng, hợp đồng bảo hiểm trên giá trị, xác định tổn thất do hao mòn tự nhiên...

Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phân tích thêm, do có nhiều đặc thù như vậy, nên việc chỉ dựa vào các quy định chung về hợp đồng của Bộ luật Dân sự là chưa đủ để điều chỉnh, mà cần thiết phải đưa vào Luật chuyên ngành là Luật Kinh doanh bảo hiểm. Các quy định về hợp đồng bảo hiểm trong Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày càng đòi hỏi yêu cầu khắt khe hơn để vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, điều chỉnh được cả những hợp đồng bảo hiểm cho những loại hình bảo hiểm mới phát sinh, vừa không xung đột với các quy định chung của hợp đồng và quan trọng nhất là đảm bảo được tính rõ ràng, minh bạch trong hợp đồng để hạn chế tối đa việc hiểu nhầm dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện.

“Ngành kinh doanh bảo hiểm luôn đặt chữ tín lên hàng đầu, nên việc có một chế định về hợp đồng bảo hiểm rõ ràng, minh bạch sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm thuận lợi rất nhiều trong việc phát triển kinh doanh” - đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhấn mạnh./.