Chứng khoán châu Á biến động trái chiều phiên 14/7
Diễn biến trái chiều tại chứng khoán châu Á.

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,6% lên 26.643,39 điểm.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,2% xuống 20.751,21 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite giảm 0,1% xuống 3.281,74 điểm.

Chứng khoán Sydney, Wellington, Đài Bắc và Jakarta đều tăng, song chứng khoán Singapore, Seoul, Mumbai, Bangkok và Manila giảm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 6/2022 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng 11/1981, trong bối cảnh chi phí năng lượng tiếp tục tăng cao do nhu cầu tăng và nguồn cung hạn chế một phần do xung đột Nga-Ukraine.

Lạm phát tăng liên tục trong nhiều tháng đã làm chao đảo các thị trường toàn cầu trong bối cảnh các ngân hàng trung ương, do lo ngại giá cả sẽ tăng quá cao, đã buộc phải nhanh chóng rút lại các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng được áp dụng khi bắt đầu đại dịch.

Tuy nhiên, điều đó làm gia tăng lo ngại rằng các nhà hoạch định chính sách có thể đi quá xa và đẩy các nền kinh tế hàng đầu rơi vào suy thoái.

Chỉ số CPI công bố ngày 13/7 được đưa ra theo sau đồn đoán Fed có thể tăng lãi suất 1 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7/2022. Tháng trước, Fed đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần đầu tiên trong 30 năm.

Singapore và Philippines đã trở thành những nước mới nhất thắt chặt chính sách vào ngày 14/7, một ngày sau Canada, New Zealand, Chile, và Hàn Quốc thông báo tăng lãi suất.

Việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp tục đẩy đồng USD tăng cao và đã phá ngưỡng ngang giá với đồng euro trước khi giảm nhẹ trong ngày 13/7.

Ngoài ra, cuộc khủng khoảng năng lượng tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và quyết định chậm tăng lãi suất của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã khiến nhiều người dự đoán đồng euro có thể giảm xuống mức thấp 1 euro đổi 0,95 USD.

Đồng bạc xanh cũng phá mốc 1 USD đổi 138 yen lần đầu tiên kể từ cuối năm 1998 trong bối cảnh Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) chưa có ý định thay đổi từ chính sách tiền tệ siêu lỏng sang hỗ trợ nền kinh tế trì trệ.

Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 14/7, VN-Index tăng 8,25 điểm lên 1.182,17 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 534,7 triệu đơn vị, tương ứng gần 10.968 tỷ đồng. Toàn sàn có 241 mã tăng giá, 185 mã giảm giá và 86 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 3,39 điểm lên 284,75 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 76,2 triệu đơn vị, tương ứng gần 1.503 tỷ đồng. Toàn sàn có 112 mã tăng giá, 66 mã giảm giá và 57 mã đứng giá.