Deloit

Hội thảo “Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: Thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 10/7 do Deloitte Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức. Ảnh: H.Y

Đây là thông tin được đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp (DN) cho biết tại hội thảo chuyên đề “Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: Thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 10/7 do Deloitte Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức.

DN FDI báo lỗ ngày càng tăng

Sau 30 năm mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thu hút được trên 24.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Khu vực DN FDI đã đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Theo đánh giá của Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), số thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ khu vực DN FDI luôn tăng trưởng ổn định, năm 2016 chiếm 19% tổng thu của NSNN. Khu vực này cũng đóng góp 18,59% GDP của Việt Nam, giải quyết việc làm cho khoảng trên 4 triệu lao động.

Số lượng DN có vốn nước ngoài chi phối đến hết năm 2016 là 17.493 DN, trong đó số đã nộp báo cáo tài chính (BCTC) năm 2016 là khoảng 14.600 DN. Tuy nhiên, số lượng DN nộp BCTC với đầy đủ các chỉ tiêu để phân tích là chưa đến 12.598.

Qua phân tích, có thể thấy hiệu quả hoạt động của DN FDI được duy trì ở mức cao nhưng chênh lệch tương đối lớn trong các lĩnh vực kinh doanh. Một số lĩnh vực có hiệu quả sản xuất kinh doanh là rất cao như: Linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi; sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy và xe có động cơ khác; vận tải, kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải; công nghiệp chế biến thực phẩm; chế biến và bảo quản nông sản, lâm sản, thủy sản; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Quy mô và hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh này đều tăng trưởng đáng kể, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh trong những ngành này đang thuận lợi.

Tổng hợp chung hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN FDI năm 2016 ở mức cao (tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu là 16,3% và tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng tài sản là 5,82%) song tình trạng DN thua lỗ chiếm tỷ trọng lớn và tiếp tục tăng so với những năm trước. Cụ thể, tỷ lệ DN FDI lỗ lũy kế đến hết năm 2016 là 61%, cao hơn các năm từ 2012 - 2015.

Số liệu phân tích báo cáo tài chính DN FDI từ năm 2012 đến năm 2016 cho thấy số DN báo lỗ hàng năm là từ 44% đến 51%. Đồng thời, tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các DN báo lỗ và DN lỗ lũy kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng DN báo lỗ và DN lỗ lũy kế cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng, phức tạp.

Hạn chế DN FDI báo lỗ liên tục nhưng vẫn đầu tư mở rộng

Bên cạnh hiện tượng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của nhóm DN FDI như nêu trên, còn xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam) của một bộ phận DN có vốn FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế TNDN và thời gian miễn, giảm thuế TNDN.

Điều này thể hiện qua số liệu về tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của DN FDI trong một số ngành qua các năm luôn duy trì ở mức rất cao, như: Linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi; viễn thông, phần mềm (ROE trước thuế trên 30%),... Hay hiện tượng chuyển giá giữa các DN FDI trong nước có quan hệ liên kết và được hưởng các mức ưu đãi thuế TNDN khác nhau, như một số dự án quy mô lớn được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế TNDN. Đơn cử, dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh và tại Thái Nguyên có hiệu quả hoạt động rất cao (tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2015 lần lượt là 30,1% và 61,4%, năm 2016 là 26% và 49%), trong khi các dự án sản xuất phụ trợ đi cùng có hiệu quả kinh tế thấp.

Từ những đánh giá này, đại diện Cục Tài chính DN đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài chính đối với DN FDI. Cụ thể là, cần rà soát, đánh giá chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay để nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và cơ chế quản lý đối với khu vực DN FDI cho giai đoạn tới. Đồng thời, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin đồng bộ, thông suốt về DN FDI để các cơ quan trung ương, địa phương có thể truy cập và kết xuất được tất cả các thông tin liên quan đến DN FDI để phục vụ công tác tổng hợp; từ đó giúp công tác đánh giá, giám sát được hiệu quả, kịp thời.

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ chế kiểm soát để hạn chế các DN FDI lỗ lũy kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để được hưởng ưu đãi thuế.

Theo Báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mới công bố gần đây, tỷ lệ DN kinh doanh thua lỗ là khoảng 48%. Như vậy, tỷ lệ thua lỗ lên đến trên 50% của các DN FDI cao hơn tỷ lệ bình quân của DN cả nước. Trong 3 nhóm DN, hiện các DN tư nhân và DN FDI có tỷ lệ thua lỗ cao hơn hẳn so với DNNN.

H.Y