Còn quá nhiều ẩn số

Gói giải pháp tài khóa, tiền tệ là vấn đề kinh tế thời sự nhất trong nhiều tháng qua, được đặt lên bàn Chính phủ với số lần khó mà đếm xuể và cho đến tận kỳ họp thứ hai của Quốc hội (QH) vừa diễn ra vào tháng trước vẫn chưa thể “ngã ngũ”. Những ngày gần đây, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ liên tục chủ trì các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) và các cuộc hội đàm, lắng nghe ý kiến của chuyên gia về các gói giải pháp. Nếu như coi đây là “liều thuốc bổ” cho nền kinh tế thì không còn thời gian để chậm trễ khi mà cách đây hai tháng, Trung ương Đảng đã có chủ trương và nghị quyết của QH tại kỳ họp thứ hai, tháng 11/2021 tiếp tục nhấn mạnh về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội và nhóm chuyên gia, nhà nghiên cứu về chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngày 30/11/2021.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội và nhóm chuyên gia, nhà nghiên cứu về chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngày 30/11/2021.

Ngân hàng Phát triển châu Á mới đây cũng đã đưa ra cảnh báo, nếu Việt Nam không làm nhanh thì sẽ 3 lần “lỡ”. Hiện nay, Việt Nam đã lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới, lỡ cơ hội chuyển dịch đầu tư và có thể sẽ lỡ thời gian cứu nền kinh tế. Cơ hội đi tới cho cả nền kinh tế năm tới đang trông chờ ở những quyết sách của QH và Chính phủ trong tháng cuối năm này. Dẫu là rất cấp bách, nhưng đây vẫn là bài toán còn quá nhiều ẩn số mà cả QH và Chính phủ đều phải “đau đầu” cân nhắc.

Chủ tịch QH có đặt ra hàng loạt vấn đề rằng, ban hành gói chính sách này phải liên tục cập nhật tình hình thế giới, trong khi tình hình thế giới lại liên tục biến động, như việc tuần rồi xuất hiện chủng virus mới Omicron. Tại nước láng giềng sát vách là Trung Quốc, diễn biến nền kinh tế của họ có những biến động rất đáng chú ý khi gặp phải những khó khăn, nhất là về năng lượng. Trung Quốc phải chấp nhận một số việc để cơ cấu lại nền kinh tế, với những giải pháp ngắn hạn cũng có thể có mặt tích cực và tiêu cực tác động đến Việt Nam. Trên thế giới là diễn biến lạm phát…

Hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại bình thường mới là nỗi niềm trăn trở của Quốc hội và Chính phủ.
Hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại bình thường mới là nỗi niềm trăn trở của Quốc hội và Chính phủ.

Hiện nay, Chính phủ cũng đã thiết kế xong bước đầu Chương trình phục hồi kinh tế. Chủ tịch QH cho biết: “Tuần trước tôi với các đồng chí Phó Chủ tịch QH đã dành thời gian 2 ngày suốt từ sáng, đến 7, 8 giờ tối để nghe và cho ý kiến”.

Các chuyên gia Bùi Nhật Quang, Bùi Quang Tuấn, Phạm Anh Tuấn và nhóm nghiên cứu Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam liệt kê các câu hỏi lớn đặt ra trước mắt: Các chính sách can thiệp vào nền kinh tế vừa qua đã đủ và đã hiệu quả chưa? Phục hồi và củng cố các yếu tố nền tảng của tăng trưởng thì cần tập trung cho động lực nào của tăng trưởng trong thời gian tới? Làm thế nào để đảm bảo cho các động lực này được phát huy tốt nhất vai trò của mình?...

Bao nhiêu tiền là đủ?

Theo các tính toán của QH và Chính phủ, năm 2021, quy mô gói hỗ trợ ước chỉ khoảng 10,5 tỷ USD, tương đương 2,85% GDP, tổng nguồn lực trong cả hai năm 2020 - 2021 dành cho hỗ trợ để phục hồi vào khoảng 4% GDP. Các chính sách hỗ trợ vừa qua cũng mới chủ yếu tác động về phía cung, chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả cung và cầu của nền kinh tế.

Ủy ban Kinh tế QH nhấn mạnh quan điểm rằng cần cấp thiết, khẩn trương có các chính sách hỗ trợ cả về kinh tế và xã hội trên cơ sở phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của đất nước để bảo vệ thành quả đã đạt được trong thời gian qua; tránh nguy cơ tụt hậu và gia tăng khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới; đạt được các mục tiêu trước mắt cũng như trong dài hạn.

Phải vẹn cả đôi đường

“Bây giờ muốn hỗ trợ thì chúng ta phải đánh giá được cụ thể, đúng và trúng tác động hiện nay của đại dịch đối với tình hình kinh tế và xã hội trong nước. Từ đánh giá trúng này thì sau này chúng ta mới biết mức độ thiệt hại, khả năng phục hồi như thế nào. Chính sách nào là hỗ trợ, chính sách nào là để phục hồi, để phát triển? Cụ thể lĩnh vực nào là trong nguy có cơ? Những giải pháp ngắn hạn thì cũng phải đặt trong tổng thể dài hạn gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững về sau, chứ không phải đưa ra một gói để cho tình hình kinh tế của chúng ta ổn định được một lúc, nhưng lại bất ổn trong dài hạn”. - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Một câu hỏi hóc búa nhất hiện nay là bao nhiêu tiền thì đủ cho gói hỗ trợ tới đây? Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đúc kết rằng: “Thực ra mọi câu hỏi cuối cùng cũng đều xoay quanh câu hỏi đầu tiên và cũng là câu hỏi cuối cùng đối với các gói hỗ trợ kích thích nền kinh tế Việt Nam trong đại dịch này là tiền lấy từ đâu và lấy thế nào?”

Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV - ông Cấn Văn Lực, nêu ý kiến: “Đúng như Chủ tịch QH đã chỉ đạo là phải dự kiến nguồn lực nó như thế nào, đặc biệt là sẽ phải huy động nguồn lực từ đâu, điều kiện thực hiện, nó phải có một số điều kiện, chứ không phải chúng ta cứ có nguồn lực là chúng ta sẽ chi tiêu theo một cách bình thường được mà phải có một số điều kiện rất chặt chẽ”.

Ông Lực cũng phân tích, tổng hợp các gói hỗ trợ tới đây có thể lên tới hơn 450 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 5,6% GDP. Các kịch bản cho GDP khi không có và có gói giải pháp là, nếu không thực thi gói tài khóa, tiền tệ, thì GDP năm 2022 tăng khoảng 4,5%; nếu có gói hỗ trợ thì GDP có thể dự kiến tăng trưởng thêm khoảng 2 điểm phần trăm, đạt mức là khoảng 6,5% và tăng thêm 1,5 điểm phần trăm năm 2023, tức là khoảng 7,5%.

Vị chuyên gia này khẳng định, gói tài khóa, tiền tệ sẽ giúp cho GDP tăng trưởng thêm được khoảng 1,5 cho đến 2 điểm phần trăm GDP trong 2 năm tới. Trong khi, cả nợ công và nghĩa vụ trả nợ đều “không vấn đề gì”: nợ công vẫn xoay quanh mức khoảng 44 - 45% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng thêm khoảng 0,22 điểm phần trăm so với tổng thu ngân sách năm 2022 và khoảng 0,42 điểm phần trăm năm 2023, chỉ vượt quá ngưỡng 25% tổng thu một chút, khoảng 25,3 - 25,4%.

Còn nhóm nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phân tích cho thấy, tổng gói cứu trợ nền kinh tế hai năm 2022 - 2023 cần khoảng 666.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% tổng giá trị GDP nền kinh tế năm 2020. Quan sát thực tế vẫn còn có những ý kiến chưa thống nhất trong thiết kế các gói hỗ trợ, trong đó có ý kiến lo ngại về áp lực lạm phát. Một số ý kiến khác lại mong muốn gói hỗ trợ kinh tế phải đủ lớn, mà như vậy thì nguy cơ lạm phát là không tránh khỏi. Các chuyên gia này đề nghị các cơ quan của QH, Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ trong việc tính toán nhằm đảm bảo dòng tiền hỗ trợ thực sự được đưa vào hoạt động sản xuất, thay vì chuyển qua kênh đầu cơ các tài sản tài chính rủi ro, không đóng góp cho phục hồi tăng trưởng.

Năm mới phải có bình thường mới

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 do Chủ tịch QH Vương Đình Huệ chủ trì ngày 5/12/2021 quy tụ hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan Đảng, QH, Chính phủ, đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước. Các diễn giả cùng tập trung thảo luận về chủ đề “nóng” nhất, hệ trọng nhất hiện nay là phục hồi và phát triển bền vững, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Đây cũng là lần đầu tiên, một diễn đàn có quy mô lớn như vậy được tổ chức theo chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với hình thức trực tiếp và cả trực tuyến, để QH có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn trong việc xem xét, quyết định các chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới.