NBS

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son trình bày về dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

Chỉnh sửa, loại bỏ nhiều quy định quản lý báo chí

Tại báo cáo, giải trình, nhiều vấn đề đã được cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến đóng góp. Cụ thể như, bỏ quy định xin phép địa phương khi thành lập văn phòng đại diện tại địa phương; bỏ quy định cơ quan chủ quản báo chí phải định kỳ báo cáo về hoạt động của cơ quan báo chí với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí; bỏ quy định cơ quan chủ quản báo chí phải cử người trực tiếp chỉ đạo, theo dõi cơ quan báo chí; bỏ quy định về cấp phó tại cơ quan báo chí; chỉnh sửa, bổ sung các tiêu chuẩn bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí, tổng biên tập sản phẩm báo chí...

Trong quá trình thảo luận, đóng góp cho dự thảo Luật, một số ý kiến đặt vấn đề có nên cho phép tư nhân thành lập cơ quan báo chí. Giải trình về việc này, UBTVQH cho rằng, dự thảo Luật đã quy định cụ thể công dân được tham gia vào mọi công đoạn trong hoạt động báo chí. Dự thảo luật cũng đã quy định các lĩnh vực tư nhân được liên kết với cơ quan báo chí, cho phép các cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu trong đó có nhiều cơ sở do tư nhân thành lập, được có tạp chí khoa học. Do vậy, UBTVQH cho rằng quy định như dự thảo Luật là phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước hiện nay.

Ngoài ra, với ý kiến đề nghị bổ sung quy định cho phép cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (DN), UBTVQH cho rằng báo chí không có chức năng kinh doanh. Hơn nữa, cơ chế thành lập, quản lý DN quy định tại Luật DN có nhiều điểm khác cơ bản so với cơ chế thành lập, quản lý cơ quan báo chí. Như vậy, việc quy định cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình DN là không phù hợp.

Tuy nhiên, đối với cơ quan báo chí của các cơ sở giáo dục, tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc loại hình tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung một số quy định để phù hợp với mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan chủ quản.

Trang tin điện tử không phải là sản phẩm báo chí

Một vấn đề khác được thảo luận nhiều tại phiên họp là có nên đưa trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội vào điều chỉnh tại luật. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự thảo luật không đưa các trang tin tổng hợp, trang tin điện tử vào phạm vi điều chỉnh. Trong khi đó, các trang tin này khai thác rất nhiều các nội dung từ báo chí, số lượng truy cập rất lớn. Vì vậy, nên đưa vào luật để quản lý cho tốt thay vì chỉ quản lý ở Nghị định.

Còn theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý, hiện nay hoạt động của các trang thông tin điện tử, thông tin xã hội đang được điều chỉnh bởi hai Nghị định 72 và 174. Đề nghị phải rà soát lại 2 nghị định này, những nội dung nào cần hạn chế, liên quan đến quyền con người, quyền công dân để đưa vào luật.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, do đây là Luật Báo chí nên chỉ nhằm để quản lý các cơ quan báo chí. Nếu cũng đưa các sản phẩm như trang tin điện tử, trang mạng xã hội vào Luật này thì vô hình chung cũng coi đây là các sản phẩm báo chí.

Tại báo cáo giải trình, vấn đề này cũng đã được trình bày khá cụ thể. Theo đó, cơ quan thẩm tra cho rằng, khác với những sản phẩm báo chí, trang mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông không cấp phép, cũng không quản lý các trang mạng xã hội này, mà chỉ quản lý đơn vị cung cấp dịch vụ mạng. Còn trang thông tin điện tử tổng hợp không phải do cơ quan, tổ chức sáng tạo nội dung tin, bài mà lấy thông tin từ các báo, biên tập lại và phát hành trên mạng.

Hiện nay, hoạt động của trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên như quy định của dự thảo Luật; còn trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội tiếp tục để văn bản về quản lý mạng internet điều chỉnh./.

H.Y