CK

Tuy vậy sức mạnh nội tại dường như đang được nhà đầu tư chú ý hơn, vì trong khi chứng khoán thế giới đã thăng hoa, chứng khoán Việt vẫn đang ở đáy 5 tháng.

Cổ phiếu thép gặp “hạn” thông tin

Hôm nay thị trường đón nhận thông tin Mỹ có thể đánh thuế 456% đối với một số sản phẩm thép sản xuất ở Hàn Quốc hoặc Đài Loan được vận chuyển tới Việt Nam để gia công nhỏ rồi cuối cùng xuất khẩu sang Mỹ. Động thái này cộng với tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ càng khiến thị trường lo lắng hơn.

Cổ phiếu thép ngay lập tức phản ứng rất xấu, mặc dù còn chưa rõ sản phẩm sẽ bị đánh thuế là do công ty nào sản xuất, quy mô bao nhiêu. Những cổ phiếu tiêu biểu trong ngành đều giảm mạnh: HPG giảm 1,99%, HSG giảm 1,96%, NKG giảm 1,6%...

Trong số này HPG là tâm điểm chú ý vì vừa là cổ phiếu lớn có ảnh hưởng khá nhiều tới chỉ số, vừa là mã thanh khoản rất cao và có nhà đầu tư nước ngoài giao dịch lớn.

Mặt khác, HPG đang trong xu thế giảm kéo dài suốt từ đầu tháng 3/2019 đến nay chưa dừng lại. Mức giảm kể từ đỉnh của cổ phiếu này đã vào khoảng 18,6%. HPG cũng đã ghi nhận mức lỗ từ đầu năm 2019 là gần 7%.

HPG phiên này bị bán tháo rất mạnh, khối lượng giao dịch đạt mức cao nhất trong 10 phiên với hơn 6,31 triệu cổ phiếu. HPG giảm mạnh xuyên thủng đáy hỗ trợ của tháng 6/2019 ở mức 22.450 đồng đã dẫn đến hoạt động cắt lỗ mạnh mẽ vì mức hỗ trợ thấp hơn chính là đáy 2019 ở quanh 21.000 đồng. Nhà đầu tư nước ngoài cũng bán đổ bán tháo hơn 3 triệu cổ phiếu HPG.

Mặc dù các chỉ số hôm nay đóng cửa vẫn đỏ, ghi nhận phiên giảm thứ hai liên tục nhưng mức giảm không đáng kể. VN-Index chỉ mất 1,59 điểm và vẫn trụ vững trên mốc 960 điểm. Thị trường chịu áp lực ban đầu khá lớn, nhưng sau đó đều ổn thỏa.

VN-Index giảm sâu nhất hôm nay cũng rơi xuống dưới 960 điểm khá xa, chỉ số mất khoảng 5 điểm. Càng về cuối phiên thị trường càng tốt dần lên và trừ số ít cổ phiếu lớn vẫn đỏ, đã có các trụ phục hồi: SAB tăng 0,29%, VHM tăng 1,11%, VNM tăng 0,72%, CTG tăng 1,2%, BID tăng 0,16%. Mặc dù mức tăng giá không đồng đều và cũng không quá mạnh, nhưng diễn biến giá nên được nhìn từ thực tế đã giảm khá sâu đầu phiên. Thị trường phục hồi dần lên và không phải cổ phiếu nào cũng đủ sức vượt qua tham chiếu như vậy.

Những mã lớn giảm kéo theo VN-Index đỏ phiên này là VCB giảm 1,28%, VIC giảm 0,35%, TCB giảm 0,48%, MSN giảm 0,12%, GAS giảm 0,87%.

Sàn HSX lúc đóng cửa cứ 1 cổ phiếu giảm giá đã có 0,94 cổ phiếu tăng giá, mức cải thiện là đáng kể so với hôm qua. Tính chung cả hai sàn, tỷ lệ này là 1:0,91.

Thị trường vẫn đang điều chỉnh tích cực

Hai phiên giảm vừa qua VN-Index để mất tổng cộng 5,2 điểm trong khi 2 phiên tăng trước đó có được 22,5 điểm. Như vậy mức điều chỉnh là rất nhỏ và bình thường trong một diễn biến tăng giá. “Điểm nghẽn” của chỉ số là 967 điểm không vượt qua được, nhưng điểm hỗ trợ lại 960 cũng không để bị thủng. Về mặt kỹ thuật thị trường chỉ đang điều chỉnh tích cực.

Diễn biến hai phiên giảm vừa rồi cũng cho thấy thị trường có sức mạnh nhất định. Đây là lần thứ 3 VN-Index quay trở lại khu vực 967 điểm. Hai lần trước trong tháng 6 mỗi khi thị trường tiến vào mốc này lập tức bị bán mạnh và đẩy VN-Index rơi thẳng xuống 940 điểm, nghĩa là mức dao động tới 37 điểm. Lần này thị trường bị bán nhẹ hơn và nhiều cổ phiếu phục hồi dễ hơn. Khu vực dao động tạm thời chỉ trong khoảng 7 điểm.

Sức mạnh này một phần xuất phát từ các yếu tố bên ngoài êm dịu dần. Căng thẳng thương mại đang được trì hoãn leo thang, ít nhất là trong vài tháng nữa. Bên trong, kết quả kinh doanh đang dần hé lộ và quý 2 thường là thời điểm rất quan trọng khi báo cáo tài chính được soát xét. Cổ phiếu sau 4 tháng điều chỉnh nhiều mã đã giảm sâu và đây là lúc đãi cát tìm vào của các nhà đầu tư theo trường phái cơ bản.

chứng khoán 3-7

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

2.544 tỷ đồng (+4%)

113,7 triệu (+6%)

270 tỷ đồng (+3%)

16,5 triệu (-28%)

Khánh Nhi