bảo trì

Dự án bảo trì quốc lộ 2 qua Hà Giang. Ảnh: Cảnh Dương

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự kiến đến hết năm 2017 sẽ xử lý tiếp khoảng 480 điểm, tập trung vào các điểm nguy hiểm cấp bách và các điểm có kinh phí nhỏ, lẻ, thực hiện ngay bằng nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ. Các điểm khác trước mắt xử lý tạm thời bằng biển báo, gờ giảm tốc, phát quang, gương cầu...và sẽ được xử lý dần, qui mô hơn trong kế hoạch bảo trì hàng năm hoặc các dự án xây dựng cơ bản.

Trong năm 2016, công tác quản lý, bảo trì đường bộ tiếp tục được đổi mới, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội; kế hoạch chi được điều chỉnh, bổ sung cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Tổng nguồn vốn cho công tác bảo trì Quỹ Bảo trì đường bộ đã giao năm 2016 là 7.529 tỷ đồng (trong đó sửa chữa định kỳ (SCĐK) là 6.000 tỷ đồng; bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) là 708 tỷ đồng; xử lý điểm đen, khắc phục bão lũ, chi khác là 819 tỷ đồng.

Trong đó, các dự án SCĐK trong kế hoạch 2016 đã thi công hoàn thành trước 30/6/2016 (trừ một số trường hợp kéo dài do GPMB, do lùi tiến độ theo yêu cầu của địa phương và do thay đổi, bổ sung biện pháp kỹ thuật). Các hệ thống phòng ngừa sự cố đối với cầu đã được triển khai, qua đó một số cầu có biểu hiện xuống cấp nguy hiểm đã được phát hiện, xử lý sớm bảo đảm an toàn, phòng tránh được sự cố (cầu Tân Đệ, Hương An, Câu Lâu, Vĩnh Điện, Bà Rén, Vĩnh Thịnh, Trạm Bạc).

Năm 2017, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ hoàn thành giao kế hoạch chi ngay đầu Quý I/2017; thực hiện công tác kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch bảo trì đường bộ; phối hợp các cơ quan tham mưu tổ chức kiểm tra, rà soát xây dựng kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng GTĐB năm 2018, làm cơ sở để Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch bảo trì 2018; hoàn thành công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch bảo trì năm 2018 đảm bảo tiến độ, chất lượng.../..

Trí Dũng