TP.Hồ Chí Minh: Khuyến cáo người dân không tự ý mua thuốc điều trị Covid -19 trôi nổi 36 tỉnh, thành phố đã sử dụng thuốc Molnupiravir điều trị bệnh nhân Covid-19 Bộ Y tế: Đưa thuốc kháng thể kép vào điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng

Quản chặt chất lượng thuốc trên thị trường

Gần đây, qua công tác hậu kiểm, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh dược có vi phạm về việc "bán buôn thuốc thành phẩm cho cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc", trong đó có các thuốc có hạn dùng còn lại ngắn, đã tạo điều kiện cho một số đối tượng có hành vi tẩy xóa, thay đổi hạn dùng của thuốc để đưa ra lưu hành trên thị trường.

Đảm bảo nguồn cung thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19
Bộ Y tế đảm bảo nguồn cung thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: TL.

Cục Quản lý dược đã xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh dược có hành vi "bán buôn thuốc thành phẩm cho cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc" theo thẩm quyền; các đối tượng vi phạm đã bị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, cung ứng đủ thuốc có chất lượng phục vụ công tác phòng chống dịch và chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh do Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, Cục Quản lý dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường triển khai phổ biến cho các cơ sở kinh doanh dược đóng trên địa bàn các quy định pháp luật về dược, các nguyên tắc tiêu chuẩn GPS, quy định về quản lý chất lượng thuốc.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong kinh doanh thuốc; tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Cục Quản lý dược yêu cầu các địa phương cập nhật đầy đủ thông tin các thuốc do cơ sở kinh doanh lên Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia theo đúng quy định.

Chiều 7/12, Cục Quản lý dược đã có công văn gửi Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh về việc tăng cường kiểm tra, xác minh việc mua bán thuốc điều trị Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng, thuốc chưa được cấp phép lưu hành trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến sau khi một báo điện tử đăng tải bài viết "Rao bán thuốc chữa Covid-19 tràn lan ở Sài Gòn".

Theo Cục Quản lý dược, việc mua, bán sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường này là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch và nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.

Đảm bảo thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19

Chia sẻ về công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, khi các ca mắc Covid-19 tăng cao, tâm lý người dân là tìm kiếm nguồn thuốc điều trị mua để sử dụng khi cần, thậm chí có tâm lý mua uống dự phòng. Nhưng hiện chỉ cần phòng bệnh lây nhiễm bằng cách tiêm vắc-xin và thực hiện 5K, còn với bệnh nhân Covid-19, tùy mức độ, tình trạng sức khỏe sẽ được điều trị tại nhà, được cấp thuốc với sự hỗ trợ về y tế của nhân viên y tế tại xã, phường, trạm y tế lưu động hoặc chuyển đến bệnh viện.

Do đó, người dân không tự tìm mua thuốc kháng vi rút điều trị Covid-19, thuốc điều trị Covid-19 chỉ dùng khi có chỉ định. Các trường hợp có chỉ định dùng sẽ được cấp, điều trị miễn phí.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, vừa qua có hiện tượng rao bán thuốc kháng vi rút điều trị Covid-19. Việc này đã được cơ quan chức năng làm rõ và phát hiện, ngăn chặn nhân viên quản lý, cấp thuốc bán ra ngoài. Người dân không tự tìm mua thuốc từ việc rao bán qua mạng, vì các thuốc đó không được kiểm soát chất lượng.

Để điều trị hiệu quả, người bệnh cần được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sử dụng các thuốc đúng chỉ định sớm nhất. Cùng với đó, đảm bảo nhân lực y tế theo dõi sức khỏe và việc cấp đủ thuốc kháng vi rút là hết sức cần thiết.

Về cung ứng thuốc kháng vi rút, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay, Bộ Y tế đã cấp hàng trăm nghìn liều cho các địa phương để điều trị F0 nhẹ tại nhà, tại các cơ sở điều trị và tiếp tục cấp đến các địa phương tùy diễn biến dịch. Riêng về nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất thuốc Molnupiravir đã có 36 đơn vị nhập, số lượng nguyên liệu đáp ứng khoảng 10 triệu liều khi đi vào sản xuất.

Về cấp phép lưu hành thuốc kháng vi rút điều trị Covid-19, Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có thể điều chỉnh một vài điểm trong Luật Dược (điều 56) để có thể giảm các thủ tục tạo điều kiện cho Bộ Y tế cấp phép một cách nhanh nhất các thuốc điều trị Covid-19. Bên cạnh đó, Bộ Y tế chuẩn bị một số thuốc điều trị có thể thay thế cho thuốc Molnupiravir khi cần thiết, ví dụ như thuốc Avirga của Nhật Bản. Thuốc này đã nhập về và phân phối cho các địa phương./.

Theo Bộ Y tế, trong điều trị Covid-19 tại Việt Nam hiện có các thuốc kháng vi rút như: Remdesivir, Molnupiravir, Avigan dùng trong cơ sở y tế hoặc điều trị F0 nhẹ tại nhà. Các thuốc này giúp giảm tải lượng vi rút, rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi, giảm nguy cơ tiến triển nặng, giảm nguy cơ lây nhiễm ở bệnh nhân diễn tiến nặng, nhưng việc sử dụng cần tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế.

Ngoài ra, có thuốc kháng đông hoặc Corticoid nhưng đều phải sử dụng hết sức nghiêm ngặt do có tác dụng nguy hiểm nếu dùng không đúng chỉ định. Người dân, người mắc Covid-19 chỉ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhân viên y tế và không nên tìm mua dự trữ.