“Sứt mẻ”, nhưng còn tiền ăn tết

Vừa mừng vừa tiếc có lẽ là cảm giác của số đông nhà đầu cơ được “giải cứu” hôm nay. Hôm qua còn hàng chục cổ phiếu giảm sàn mất thanh khoản liên tục nhiều ngày, hôm nay số lớn đã được bắt đáy. Đối với không ít người, điều quan trọng nhất lúc này là thoát được khỏi “cái bẫy sập”, thu tiền về chừng nào hay chừng đó vì tình cảnh mất thanh khoản quá ám ảnh hai tuần nay.

Thế nhưng, lòng tham vẫn còn đó, sẽ có nhiều người nuối tiếc vì bán đúng giá thấp nhất hôm nay. Rất nhiều cổ phiếu đầu cơ đã được đẩy giá tăng ngược đến mức kịch trần. Phiên đầu tuần, số mã giảm sàn trên HoSE và HNX còn tới 174 mã, hôm qua còn 72 mã. Hôm nay tình thế đảo ngược với 129 mã kịch trần.

Đảo chiều tăng gần 23 điểm, nhịp điều chỉnh kết thúc?
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Như vậy rất nhiều nhà đầu cơ mắc kẹt đã rút được tiền về, dĩ nhiên mức lỗ là lớn. Điều quan trọng là tài khoản đã không còn bị phó mặc cho diễn biến giá nữa. Nhìn từ góc độ tích cực, bài học về thanh khoản ở các mã đầu cơ sẽ giúp hoạt động đầu cơ tới đây thận trọng hơn

Những cổ phiếu đầu cơ chưa được “giải cứu” hôm nay là FLC và ROS. Thực ra hai mã này cũng có thanh khoản khá cao, ví dụ FLC là 42,9 triệu cổ phiếu giao dịch được. Tuy nhiên giá vẫn giảm sàn và lại mất thanh khoản khi còn dư bán hàng chục triệu cổ nữa.

Mặc dù vẫn có những mã chưa thoát được giá sàn hay vẫn mất thanh khoản, nhưng tổng thể nhóm đầu cơ hôm nay đã giao dịch tích cực hơn. Đặc biệt tình trạng bật tăng kịch trần trở lại của cả trăm mã cho thấy tâm lý đầu cơ vẫn rất mạnh. Những nhà đầu tư bắt đáy hôm nay hẳn phải kỳ vọng vào cơ hội hồi giá để lướt sóng thì mới mua vào.

Thống kê chỉ riêng ở sàn HoSE, có tới gần 50 mã hôm nay lại “trắng bên bán”. Phần lớn số này chính là các mã “múa bên trăng” (trắng bên mua) của ngày hôm qua hay cả tuần trước đó. Sự thay đổi đột ngột như vậy chỉ có thể xuất hiện với các mã đầu cơ mà dòng tiền và lòng tham là yếu tố quyết định. Nhà đầu cơ thường ít quan tâm tới việc doanh nghiệp làm ăn ra sao, mà chỉ quan tâm rằng biến động giá mạnh là cơ hội. Giá giảm nhiều thì có khả năng đảo chiều tăng trở lại ở mức độ nào đó. Nhiều người nghĩ như vậy dẫn đến lực cầu mạnh.

Kiểu đầu cơ như vậy giống như một đàn châu chấu nhảy ào vào ra mỗi cổ phiếu theo từng giai đoạn. Ví dụ lực cầu bắt đáy hôm nay không quan tâm tới điều gì khác ngoài biên độ hồi giá có thể đủ lớn để lướt sóng. Qua được T+3 thì sẽ có những người quay lưng ra đi, không quan tâm tới điều gì tiếp theo. Vì vậy, đầu cơ là cuộc chơi “móc túi” lẫn nhau từng ngày.

Thị trường tăng tốt, blue-chips mạnh trở lại

Bên cạnh diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu đầu cơ, thị trường hôm nay cũng chứng kiến sự phục hồi của nhóm blue-chips. Thực tế mức tăng 22,51 điểm của VN-Index hôm nay hoàn toàn là nhờ các mã blue-chips.

Cổ phiếu ngân hàng giao dịch ấn tượng, thậm chí BID còn có phiên tăng kịch trần. Mã này hôm qua giảm 2,8%, hôm nay tăng 6,99%, thay đổi sốc không kém cổ phiếu đầu cơ. Tuy vậy tổng thể nhóm ngân hàng hôm nay đều mạnh. CTG tăng 3,85%, MBB tăng 2,03%, SHB tăng 5,9%, STB tăng 2,7%, VPB tăng 1,3%... Trong 27 cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch ở 3 sàn, chỉ có 3 mã giảm là VAB, ACB và HDB.

Nhóm dầu khí, chứng khoán hay thép hôm nay cũng phục hồi mạnh. GAS tăng 1,5%, HPG tăng 1,15%, SSI tăng 1,1%... Những mã này đầu phiên thậm chí vẫn còn giảm. VN-Index đầu phiên cũng giảm, tạo đáy giữa phiên sáng dưới tham chiếu 0,71%. Như vậy thị trường đã diễn biến tốt dần lên theo thời gian.

Thanh khoản cũng có sự gia tăng đáng kể. Mức khớp lệnh hai sàn tăng gần 31% so với hôm qua, đạt 23,4 ngàn tỷ đồng. Con số này không phải quá lớn, nhưng cũng là cải thiện. Đặc biệt thị trường đã thoát khỏi ám ảnh bán tháo. Điều này sẽ góp phần thay đổi tâm lý. Sự buồn chán thực chất cũng là một lực cản với thị trường, vì đằng sau mỗi quyết định xuống tiền là kỳ vọng và quyết tâm của nhà đầu tư.

Đảo chiều tăng gần 23 điểm, nhịp điều chỉnh kết thúc?

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

21.248 tỷ đồng (+31%)

762,5 triệu (+37%)

2.148 tỷ đồng (+25%)

78,5 triệu (-21%)