Các chuyên gia tham dự buổi toạ đàm

Các chuyên gia tham dự buổi toạ đàm

Để tiếp tục cung cấp thêm thông tin đa chiều về vấn đề này, sáng 12/9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Thời báo Tài chính Việt Nam đã tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến: “Những điểm nhấn trong sửa đổi 5 Luật Thuế”.

Sửa đổi 5 chính sách thuế trụ cột

Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia, đại diện giới doanh nghiệp (DN) đều có ý kiến đồng tình với mục tiêu, cơ sở, thời điểm thực hiện việc điều chỉnh đồng bộ 5 Luật Thuế.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc lựa chọn 5 chính sách thuế để sửa đổi trong dự án luật là hết sức cần thiết vì đây là 5 chính sách thuế đóng vai trò trụ cột. Việc điều chỉnh cùng lúc các chính sách này sẽ góp phần giúp chúng ta giải được bài toán rất quan trọng là cơ cấu lại các khoản thu ngân sách nhà nước (NSNN), trong đó có cơ cấu các loại thuế, phí. Việc điều chỉnh cũng khắc phục được những hạn chế và giúp thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Một điểm quan trọng nữa là chính sách đã gắn với phát triển kinh tế xã hội thông qua việc điều chỉnh các hành vi và cách thức hoạch định chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, điều chỉnh hành vi về tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư của các hộ gia đình, các cá nhân.

Còn theo bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng ban Chính sách tài chính công - Viện Chiến lược và chính sách tài chính, sửa đổi 5 luật thuế có 5 mục tiêu rõ ràng. Thứ nhất, thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại NSNN, đảm bảo tài chính an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Mục tiêu thứ hai là tháo gỡ khó khăn cho DN theo tinh thần Nghị quyết số 35 của Chính phủ và Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu thứ ba chính là tạo sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống chính sách pháp luật, thống nhất với các luật mới được Quốc hội thông qua như Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản. Việc đảm bảo tính đồng bộ của các luật này nhằm để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng, định hướng sản xuất và tiêu dùng cũng như định hướng nguồn lực trong nền kinh tế.

Mục tiêu nữa của luật là khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai các luật thuế thời gian qua, đồng thời xử lý những vấn đề mới phát sinh như hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ, thực hiện định hướng phát triển trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn, khoa học công nghệ…

Cuối cùng, dự thảo Luật hướng tới việc phù hợp thông lệ, xu hướng quốc tế, cũng như các cam kết hội nhập mà chúng ta đang thực hiện ngày một nhiều.

Tăng thuế GTGT: Hàng hoá, dịch vụ thiết yếu ít bị tác động

Thống nhất về mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật, tuy nhiên đánh giá về những nội dung cụ thể của dự án Luật, các chuyên gia tại buổi toạ đàm lại có những góc nhìn khác nhau.

Từ góc nhìn đại diện giới DN, ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, nguyên Trưởng Đại diện Thương mại Việt Nam tại WTO đánh giá cao xu hướng giảm dần thuế TNDN thời gian qua, từ mức 32% nay xuống còn 20%, một mức thuế được coi là cạnh tranh so với nhiều nước. Tiếp tục xu hướng này, dự thảo Luật đã giảm mức thuế TNDN xuống thấp hơn, là 17% và 15% cho DN nhỏ và siêu nhỏ. Theo ông Đào Huy Giám, đây là một nội dung tích cực và việc giảm thuế chưa hẳn đã làm giảm nguồn thu bởi chính sách ưu đãi sẽ khuyến khích các DN tăng cường sản xuất kinh doanh, đem lại nguồn thu ổn định, lâu dài hơn. Việc giãn bậc thuế TNCN cũng là một sự khuyến khích đối với người lao động.

Đối với việc điều chỉnh thuế suất thuế GTGT, ông Giám chia sẻ quan điểm tăng thuế luôn khó hơn giảm thuế, nhưng trong điều kiện bắt buộc, cần thiết vẫn phải thực hiện đi cùng với sự minh bạch, công khai để nhận được sự đồng thuận. Về tác động tới DN, ông Giám cho rằng khi thuế tăng 1 - 2% chưa hẳn đã tác động đến giá cả bởi mức thuế đầu vào được khấu trừ cũng tăng. Hơn nữa, vị thế cạnh tranh của DN cũng ít bị ảnh hưởng bởi đây là mức tăng chung trên thị trường.

Cùng quan điểm về tác động của điều chỉnh thuế suất thuế GTGT, bà Lê Thị Mai Liên cho rằng, về cơ bản điều này không ảnh hưởng nhiều đến sức cạnh tranh của DN.

Về tác động tới người dân, bà Mai Liên cho rằng cần nhìn trên giác độ tổng thể là có nhiều nhóm hàng hóa thiết yếu không chịu thuế GTGT hoặc chịu thuế thấp. Đồng thời, nhóm hàng hoá do người sản xuất trực tiếp bán ra sẽ không phải chịu thuế. Theo khảo sát, đây là những nhóm hàng hóa tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn đối với người thu nhập thấp. Như vậy việc điều chỉnh thuế lần này cơ bản không có tác động quá nhiều đến nhóm người có thu nhập thấp. Ngoài ra, hiện nay chúng ta cũng đang có nhiều chính sách đảm bảo an sinh cho các đối tượng người nghèo, thu nhập thấp trong xã hội.

Rà soát ưu đãi thuế, chống thất thu thuế

Từ góc độ ảnh hưởng tới tỷ trọng thuế, cơ cấu thu ngân sách, TS Vũ Đình Ánh có quan điểm cho rằng điều này phù hợp với sự thay đổi cơ cấu trong thu ngân sách của chúng ta khi nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu, dầu thô giảm. Điều này cũng đáp ứng một trong những yêu cầu quan trọng của Nghị quyết 07 về cơ cấu lại NSNN, có nội dung liên quan đến thuế trực thu và thuế gián thu. Với xu thế chung trên thế giới là giảm dần thuế trực thu, tăng thuế gián thu, ông Vũ Đình Ánh tán thành việc điều chỉnh về thuế TNDN và thuế TNCN trong tổng thể sửa đổi các luật thuế. Chuyên gia Vũ Đình Ánh cũng đề nghị tiếp tục giảm bớt các ưu đãi hỗ trợ không cần thiết và không thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh gần đây, mỗi khi ban hành một cơ chế chính sách mới hầu như đều đi kèm với việc ưu đãi hỗ trợ thuế. “Với Luật lần này, tôi cho rằng cần rà soát các ưu đãi, hỗ trợ đó để đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp xu thế chung”, ông Ánh đề nghị.

Liên quan đến một mục tiêu quan trọng nữa là chống thất thu thuế, chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng việc điều chỉnh, sửa đổi tại 5 Luật Thuế đã có nhiều nội dung hướng tới liên quan đến mục tiêu này, nhằm hạn chế việc ảnh hưởng tới quy mô thu ngân sách, quy mô thu thuế và phí, và quan trọng là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa những DN thực hiện nghiêm túc các quy định về thu ngân sách và thuế với những DN không thực hiện nghiêm túc, trốn, lậu thuế.

Cuối cùng, bình luận về một nội dung được chú ý về chính sách thuế TTĐB, các chuyên gia có chung quan điểm dùng thuế TTĐB để hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng cũng như hạn chế tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa có hại cho sức khỏe, hay gây ảnh hưởng đến môi trường. Đối với nước ngọt, mặt hàng được đề xuất áp thuế TTĐB 10%, bà Lê Thị Mai Liên cho rằng điều này phù hợp để hạn chế tiêu dùng mặt hàng không có lợi cho sức khoẻ, cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển giống nòi. Theo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước đã và sẽ áp thuế TTĐB ở mức cao với những mặt hàng không có lợi cho sức khoẻ như nước ngọt, thuốc lá…

Do vậy, những điều chỉnh này về chính sách thuế TTĐB đáp ứng 3 mục đích là điều tiết tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe cho người dân, phù hợp với xu hướng chung của các nước và đảm bảo chiến lược cải cách hệ thống thuế. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý việc áp dụng mức thuế TTĐB có tác động đến các DN sản xuất mặt hàng này nên khi áp dụng cần phải có sự đồng bộ, nhịp nhàng giữa các bên liên quan để chính sách thật sự phát huy hiệu quả.

Ông Đào Huy Giám: Tạo đòn bẩy về kinh tế trong nhiều lĩnh vực


Chúng ta đã có sự thay đổi khá nhanh trong kết cấu các nguồn thu, cho nên việc sửa đổi lần này đáp ứng yêu cầu khách quan đó. Cùng với việc xây dựng, sửa đổi chính sách, Chính phủ cũng đã có những nỗ lực trong việc đưa ra những chính sách ưu tiên, cương quyết trong việc kiềm chế những yếu kém trong sử dụng nguồn lực công thời gian qua, nhằm tạo được niềm tin sự đồng thuận trong nhân dân. Về phần mình, chúng tôi chia sẻ với cơ quan quản lý cũng như những đối tượng chịu tác động. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực giảm chi phí cho DN, giảm thủ tục hành chính. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đạt kết quả như mong muốn.

Việc chúng ta sửa đổi chính sách, tạo nguồn và chi đúng sẽ tạo ra đòn bẩy về kinh tế trong nhiều lĩnh vực. Do vậy, chúng tôi chia sẻ và ủng hộ việc sửa đổi chính sách nhằm mục đích tạo thuận lợi cho DN, người dân để phát triển kinh tế xã hội, tạo nguồn thu ổn định, lâu dài.

T.S Vũ Đình Ánh: Nhiều nội dung tiến bộ


Hàng năm, nguồn thu từ thuế, phí của chúng ta dao động từ 20 - 25% GDP. Do đó, việc thay đổi các chính sách thuế sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế, toàn xã hội. Đó là lý do tại sao việc sửa đổi 5 Luật Thuế lần này nhận được sự quan tâm không chỉ của các cơ quan có liên quan mà là của toàn xã hội. Việc chúng ta ban hành dự thảo và rất mong Quốc hội thông qua một luật sửa đến 5 Luật Thuế lần này là một việc làm rất cần thiết, có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội trong những năm tới đây. Theo tôi, các nội dung trong dự thảo lần này có rất nhiều nội dung tiến bộ, không chỉ đáp ứng việc khắc phục những hạn chế trước đó, mà còn tạo điều kiện để chúng ta đạt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, một số nội dung trong dự thảo luật lần này khi chúng ta đưa ra đã tạo ra một số trao đổi, tranh luận trong xã hội. Tôi cho rằng đây chính là cơ hội để những người soạn thảo dự án sửa đổi 5 Luật Thuế có điều kiện để đưa thêm các lập luận, căn cứ cho việc điều chỉnh chính sách thuế. Đặc biệt, để thuyết phục được xã hội, sự đồng tình của mọi người dân đối với việc sửa đổi này thì ngoài các điểm tích cực, những vấn đề còn tranh luận, chúng ta cần phải đưa thêm những lập luận cơ sở, đánh giá những tác động của việc điều chỉnh này cả về mặt tích cực và tiêu cực. Có như vậy luật sau khi chúng ta ban hành nhận được sự đồng thuận của xã hội, quan trọng hơn, những nội dung của luật sẽ đi vào cuộc sống.

Bà Lê Thị Mai Liên: Cần sự đồng thuận của người dân


Mọi sự điều chỉnh về chính sách thuế trong đó có thuế GTGT sẽ có tác động khác nhau đến nhiều mặt kinh tế xã hội, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cách thức thiết kế của chính sách

Tôi muốn chia sẻ rằng, bất kỳ một cuộc cải cách nào cũng rất khó khăn bởi sự tác động đến nhiều đối tượng và nhiều mặt kinh tế xã hội. Cơ quan soạn thảo cũng rất trăn trở khi đưa ra các phương án chính sách. Tuy nhiên để một chính sách ban hành và được thực thi rất cần sự đồng thuận của người dân. Cơ quan soạn thảo cũng phải đứng trên góc độ tổng thể chung để đảm bảo chính sách được hiệu quả.

Đối với Dự thảo Luật sửa đổi 5 Luật Thuế, có nhiều chính sách liên quan đến thu nhập với nhiều nội dung miễn giảm thuế, tăng thuế, bổ sung đối tượng chịu thuế tác động đến nhiều đối tượng. Gắn với bối cảnh Việt Nam trong những năm qua, chúng ta đã thực hiện các cam kết quốc tế, giảm thuế rất nhiều, thì khoảng cách đó cần phải được bù đắp, trong khi nhu cầu chi của chúng ta vẫn cao. Như vậy, để đảm bảo triển khai hiệu quả, nhận được sự đồng thuận, Dự thảo Luật sửa đổi 5 Luật Thuế lần này rất cần ý kiến đóng góp của người dân, của giới chuyên gia, doanh nghiệp. Như vậy, cơ quan soạn thảo sẽ có được những thông tin đa chiều để cân nhắc, lựa chọn, các phương án chính sách, đảm bảo tính hiệu quả của công cụ điều hành.

D.A