MTAT

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) phát biểu tại phiên thảo luận.

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho UBCKNN

Theo báo cáo do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, dự thảo luật đã tiếp thu nhiều nội dung được các đại biểu đóng góp ý kiến. Cụ thể, về chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá, để bảo đảm đồng bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã đề nghị Chính phủ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), thay vì quy định tại Luật Chứng khoán.

Về chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng, một số ý kiến cho rằng cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh giữa các luật đối với chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng. UBTVQH đã tiếp thu theo hướng phân định rõ phạm vi Luật Chứng khoán điều chỉnh đối với phát hành chứng khoán của công ty đại chúng và Luật Doanh nghiệp (DN) điều chỉnh phát hành chứng khoán của DN không phải công ty đại chúng để bảo đảm tính nhất quán trong việc đưa ra các điều kiện phát hành, quản trị DN cũng như quá trình xem xét chấp thuận, giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền, đồng thời bảo đảm có đủ thời gian đánh giá tác động theo đúng quy định của pháp luật.

Về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, nhiều ý kiến nhất trí nâng điều kiện về vốn điều lệ đối với chào bán chứng khoán ra công chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị giữ điều kiện này ở mức 10 tỷ đồng, hoặc chỉ nâng lên 20 tỷ đồng. Theo UBTVQH, việc nâng điều kiện về vốn điều lệ là nhằm nâng cao chất lượng, sự ổn định của công ty đại chúng và phù hợp với thông lệ quốc tế, quy mô thị trường chứng khoán (TTCK). Quy định điều kiện về mức vốn điều lệ để được chào bán chứng khoán ra công chúng là 30 tỷ đồng cũng tương thích với điều kiện niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Hà Nội hiện nay.

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm trong các cuộc thảo luận trước là về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Theo UBTVQH, việc quy định UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay là phù hợp, giữ ổn định về bộ máy, tổ chức, không tăng thêm đầu mối. Đồng thời, mô hình hiện nay đã và đang phát huy tác dụng tốt, giúp cho Bộ Tài chính quản lý thống nhất các vấn đề liên quan đến tài chính của đất nước; các chính sách phụ trợ cho sự phát triển của TTCK được ban hành trong chỉnh thể đồng bộ, linh hoạt.

Đồng thời, để tăng thêm thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập của UBCKNN, dự thảo luật đã được rà soát, bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ cho UBCKNN trong việc thực thi nhiệm vụ, để có thể tiệm cận gần hơn với các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO).

Cụ thể, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn trên cơ sở luật hóa quy định tại Quyết định số 48/2015/QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính. Bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn để tăng cường vai trò cũng như trách nhiệm của UBCKNN trong tổ chức, quản lý, giám sát hoạt động về chứng khoán và TTCK, bao gồm: tổ chức, phát triển TTCK; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nghiệp vụ chứng khoán, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư…

Mô hình một Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam

Liên quan đến mô hình và tổ chức của Sở GDCK Việt Nam, nhiều ý kiến đề nghị chỉ có Sở GDCK Việt Nam và được đặt tại trung tâm tài chính quốc gia. Có ý kiến cho rằng cần thể chế vào dự thảo luật mô hình Sở GDCK theo Đề án thành lập Sở GDCK Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 32/QĐ-TTg.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, để bảo đảm tính thống nhất, giảm bớt đầu mối quản trị, điều hành và minh bạch, rõ ràng trong áp dụng pháp luật, dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ có 1 Sở GDCK duy nhất, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức GDCK; sửa đổi tên gọi Sở GDCK thành Sở GDCK Việt Nam tại các điều, khoản liên quan. Do đây là DN rất đặc thù nên cần được quy định cụ thể trong luật về thẩm quyền thành lập, quyền hạn và nghĩa vụ cơ bản. Mặt khác, những biến động về thị trường tại Sở GDCK Việt Nam có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tiền tệ của quốc gia. Do vậy, để bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, dự thảo luật chỉnh lý theo hướng Sở GDCK Việt Nam là DN được thành lập và hoạt động theo quy định của luật này và Luật DN, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Thảo luận tại hội trường, mô hình Sở GDCK Việt Nam cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), việc thống nhất mô hình chỉ có 1 Sở GDCK, làm đầu mối quản trị điều hành là cần thiết, song dự thảo luật nên ghi dưới Sở GDCK có các sàn giao dịch để phù hợp hơn. Đồng thời, cần quy định các nguyên tắc để phân định trách nhiệm, mối quan hệ của Sở GDCK với các sàn giao dịch, điển hình như Sở GDCK và hai sàn giao dịch tại TP.Hồ Chí Minh và sàn GDCK tại Hà Nội, trên cơ sở xác định rõ sản phẩm, hoạt động giao dịch để khai thác hiệu quả các sàn giao dịch. Chẳng hạn như trái phiếu DN và cổ phiếu DN tập trung tại sàn giao dịch TP.Hồ Chí Minh, còn trái phiếu chính phủ và các sản phẩm phái sinh tập trung tại sàn Hà Nội…

Liên quan đến việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, đại biểu cho rằng các hành vi vi phạm trên TTCK ngày càng tinh vi, phức tạp, nhiều hành vi thao túng, giao dịch có dấu hiệu nội gián, do đó dự thảo luật cần quy định để tăng cường phòng ngừa thông qua việc nâng cao chất lượng minh bạch thông tin của các DN cũng như các bên tham gia TTCK, bên cạnh tăng chế tài xử phạt mang tính răn đe.

Theo đại biểu, mức xử lý vi phạt tối đa là 10 lần khoản thu trái pháp luật, đồng thời mức phạt tối đa là 3 tỷ đồng là chưa mang tính răn đe trong xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, đại biểu đề nghị ngoài phạt tiền cần tăng cường chế tài xử phạt bổ sung như treo giao dịch cổ phiếu, rút giấy phép hành nghề…, khắc phục tình trạng nộp tiền phạt xong vẫn vi phạm. Ngoài ra, cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền cho cơ quan quản lý nhằm nâng cao tính tuân thủ, cưỡng chế, thực thi.

Cùng quan điểm phải tăng cường các biện pháp, chế tài xử lý các vi phạm trên TTCK, bên lề phiên họp, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị phải đề cao hơn nữa trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan kiểm tra, kiểm soát. Chẳng hạn như trách nhiệm của công ty kiểm toán với bản cáo bạch, báo cáo kiểm toán được công bố.

"Trong luật này, đã có quy định xử lý nặng với các hành vi giao dịch không minh bạch, đó là biện pháp rất tốt. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta cần phải đề cao hơn nữa trách nhiệm của các công ty kiểm toán. Khi đưa ra bản cáo bạch được kiểm toán, khách hàng, nhà đầu tư hoàn toàn dựa vào công bố của kiểm toán, nên trách nhiệm công ty kiểm toán phải tăng cường hơn" - đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị./.


D.A