Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm.

Đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu xuống 15 năm
Chi trả lương hưu cho người cao tuổi tại nhà trong thời gian dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Theo quy định hiện hành, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, mức hưởng lương hưu tỷ lệ thuận với mức đóng bảo hiểm xã hội, thời gian đóng bảo hiểm xã hội, mức đóng bảo hiểm xã hội càng cao, thời gian đóng bảo hiểm xã hội càng dài thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, thời gian người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm. Điều này dẫn tới nhiều người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn nên khi hết tuổi lao động, không tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.

Trước thực trạng này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 theo hướng: giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới còn 10 năm. Việc sửa đổi này nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, để tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân, cơ quan này cũng đề xuất tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, bổ sung chế độ trợ cấp thai sản nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút, tạo điều kiện để người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện…

Việc đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nhằm cụ thể hóa các mục tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra, cũng chính là để đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người lao động mong muốn được hưởng lương hưu và có thẻ bảo hiểm y tế để chăm lo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi về già./.