Tổ 4

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ sáng 23/3.

Dấu ấn nhiệm kỳ Chính phủ: Điều hành linh hoạt, chủ động

Đánh giá chung về nhiệm kỳ vừa qua, ĐB Bùi Đức Thụ ghi nhận trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, không ổn định, những kết quả phát triển kinh tế xã hội tích cực đạt được trong nước vừa qua như kinh tế tăng trưởng, lạm phát thấp, an sinh xã hội… đã khẳng định được chất lượng hoạt động của từng cơ quan Nhà nước.

Nhận xét cụ thể về từng báo cáo, ĐB Vương Đình Huệ (Bình Định) cho rằng, các báo cáo đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, nhìn nhận rõ những tồn tại, đưa ra kiến nghị cho cả nhiệm kỳ sau. Về công tác Quốc hội, ấn tượng sâu đậm nhất là Quốc hội đã ban hành Hiến pháp mới, cơ bản hoàn thành xây dựng, sửa đổi rất nhiều bộ luật quan trọng để triển khai Hiến pháp, hoàn thiện thể chế. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng được cải thiện, chất lượng giải trình được nâng cao.

Đối với báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, ĐB cho rằng điểm nổi bật là Chính phủ chủ động kiến nghị Trung ương, Quốc hội để điều chỉnh các mục tiêu có tính chất chiến lược, kiên trì, nhất quán thực hiện các mục tiêu này.

Theo ĐB, đầu nhiệm kỳ chúng ta chưa đánh giá hết tác động từ kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Chính phủ đã rất nhạy bén, đề xuất và Quốc hội kịp thời điều chỉnh mục tiêu có tính chất chiến lược. Việc điều chỉnh tới lúc này nhìn lại là rất chính xác, từ đó chúng ta đạt được các thành công kép như tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn...

"Đây là điều ấn tượng nhất. Lúc đầu nghe thì "khiếp" lắm, thắt chặt đầu tư công, ai cũng kêu, tỉnh nào cũng kêu. Nhưng rồi chúng ta thấy kiên trì, nhất quán thực hiện đã đạt được kết quả, được đánh giá cao. Đây là bài học rất tốt cho nhiệm kỳ tới đây của Chính phủ", ĐB Vương Đình Huệ nói.

VĐH
ĐB Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi họp sáng 23/3.

Cùng quan điểm này, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đánh giá sự linh hoạt trong công tác điều hành là điểm nổi bật tại nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua. Cùng với đó, những điểm sáng khác trong công tác điều hành là kiên trì chủ trương tích cực hội nhập mang lại hiệu quả lớn; nỗ lực thể hiện quan điểm thị trường, cải cách DNNN và đặc biệt là thái độ mạnh mẽ trong bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Về nhiệm kỳ Quốc hội, ĐB Trần Du Lịch đồng quan điểm đánh giá thành tựu lớn của Quốc hội là công tác lập pháp. Nhiệm kỳ này Quốc hội đã sửa 5 bộ luật cùng với 100 luật và gần 5.000 văn bản thực thi. Tuy nhiên, công tác lập pháp cũng còn những vấn đề tồn tại lâu nay chưa được khắc phục như tình trạng văn bản dưới luật quá nhiều, làm giảm tính quyết định của Quốc hội, số luật phải sửa đi sửa lại nhiều, gây bất ổn trong thực thi.

Bất cập trong xây dựng pháp luật cũng là vấn đề được nhiều ĐB đề cập. ĐB Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ cần dành nhiều thời gian để các bộ thảo luận kỹ các dự án luật trước khi trình Quốc hội để tránh sự mâu thuẫn, cục bộ trong các dự án luật.

Nâng cao vai trò của Chủ tịch nước

Chuẩn bị cho công tác nhiệm kỳ mới, các đại biểu cũng đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó được nhấn mạnh là về công tác cán bộ. Theo ĐB Bùi Đức Thụ, sau khi kiện toàn công tác nhân sự nhiệm kỳ mới, vấn đề chất lượng cán bộ rất cần được chú trọng “vì đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Nếu chất lượng cán bộ không được cải thiện sẽ ảnh hưởng lớn đến sự vận hành của cả hệ thống, đến chất lượng công tác điều hành.

“Khi lựa chọn, bầu cử đại biểu Quốc hội cho nhiệm kỳ tới, chúng ta phải làm sao để chất lượng và cơ cấu ĐB không mâu thuẫn nhau, phải chọn được ĐB đủ đức, đủ tài để đảm bảo chất lượng hoạt động của Quốc hội”, ĐB Bùi Đức Thụ nói.

ĐB Phan Đình Trạc (Nghệ An) cũng cho rằng, khi lựa chọn đại biểu, không chỉ cần kiến thức sâu rộng mà còn cần phải tính cách mạnh mẽ để có thể công khai thể hiện mong muốn của cử tri, thể hiện chính kiến của mình, có như vậy hoạt động Quốc hội mới sôi nổi, không mang tính hình thức.

Đối với công tác kiểm toán, ĐB Vương Đình Huệ đề nghị nên chăng có thêm các cuộc kiểm toán chuyên đề về các vấn đề liên quan đến cuộc sống, hay kiểm toán về dự toán ngân sách để Quốc hội có căn cứ quyết định.

Về nhiệm kỳ Chủ tịch nước sắp tới, ĐB Bùi Đức Thụ đề xuất cần hoàn hiện thể chế, cụ thể hoá Hiến pháp để nâng cao vai trò của Chủ tịch nước, tránh chồng chéo giữa hoạt động của Chính phủ và Chủ tịch nước. Hoàn thiện cơ chế phối kết hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, bởi nếu không đổi mới cơ chế lãnh đạo thì các vấn đề vẫn chỉ là hình thức. "Ví dụ nếu các cơ quan Đảng, trung ương quyết định các vấn đề quá cụ thể thì dư địa còn lại để các cơ quan dân cử thảo luận còn rất ít…", ĐB Bùi Đức Thụ nói./.

H.Y