Chiều 21/12, UBND tỉnh Yên Bái, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Yên Bái và các doanh nghiệp Nhật Bản.

Phát biểu tại hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho rằng, Yên Bái hiện nay được xác định là một trọng điểm trung tâm trong tuyến hành lang kinh tế “Côn Minh – Lào Cai – Hải Phòng” , là vệ tinh trong sự hợp tác phát triển của các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Đặc biệt, khi đường cao tốc Nội Bài – Yên Bái – Lào Cai hoàn thành và đi vào sử dụng đã mở ra cho Yên Bái một lợi thế lớn, thúc đẩy sự phát triển và hội nhập cho trung du miền núi phía Bắc.

ba tra
Bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho rằng, Yên Bái là nhịp cầu quan trọng kết nối khu vực mậu dịch tự do ASEAN.

Cũng tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, đây là lần đầu tiên một hội nghị xúc tiến đầu tư riêng cho một tỉnh được tổ chức với một đối tác chiến lược là các nhà đầu tư Nhật Bản. “Đây là cách tiếp cận mới với thương mại đầu tư từ việc chọn những đối tác và dự án riêng biệt trên cơ sở thế mạnh của vùng, như thế sẽ hiệu quả hơn rất nhiều khi chúng ta làm với một hội nghị tiếp xúc chung”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng chia sẻ, sau hội nghị sẽ có hàng loạt hoạt động tiếp nối sẽ diễn ra để bám sát các nhà đầu tư vào Yên Bái. Việt Nam đang là vùng giao thoa của những hiệp định thương mại tự do lớn nhất và Nhật Bản được xem là đối tác chiến lược trong những đối tác đó.

“Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Nhật cũng đã bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam…tôi nghĩ với xu thế đó, Yên Bái có thể là điểm đến lý tưởng đối với các nhà đầu tư”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

Đại diện VCCI cũng cho rằng, để giải quyết vấn đề lao động, ngành dệt may, giày dép có thể tiến lên vùng này, công nghiệp hỗ trợ cũng có thể tìm thấy địa điểm khi mà các địa phương quanh Hà Nội đã trở nên chật chội. Du lịch cũng là ngành đầu tư có hiệu quả cao, với sự giàu có về bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Bắc.

Về phía Nhật Bản, ông Nagai Katsuro, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thì cho rằng, mặc dù sản phẩm nông sản chủ lực của Yên Bái là gạo, chè, quế nhưng việc trồng rau để cung cấp cho Hà Nội cũng có thể trở thành tiềm năng của tỉnh. Chưa kể, với dân số 790.000 dân thì có thể tiếp nhận những ngành tập hợp nhiều lao động như dệt may, da giày…

Tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, ông Tokyuama Shimon, cho biết, Hiệp hội có 600 doanh nghiệp khu vực phía bắc và 1.500 doanh nghiệp ở khu vực miền Trung và Nam bộ, trước đây hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất linh kiện phụ tùng, thương mại, bảo hiểm, dịch vụ...Tuy nhiên, thời gian gần đây các doanh nghiệp Nhật Bản đang bắt đầu quan tâm đến nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, đặc biệt là tại Đà Lạt.

Còn ông Fujimoto Masato, Tổng giám đốc công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam (công ty chuyên về ngành sản xuất dược phẩm) cho rằng, tỉnh Yên Bái có môi trường tự nhiên ưu việt, nhanh chóng trong các thủ tục hành chính, nguồn lao động chất lượng và cần cù, đây là một địa điểm hấp dẫn khi quyết định đầu tư.

Công ty cũng đã có thành công trong đầu tư tại Yên Bái với sản phẩm chủ lực là dược phẩm, chế phẩm sinh học động vật và nguyên liệu để sản xuất chính là một loại thỏ. Ông Fujimoto Masato cho biết, hiện công ty đang cung cấp nguyên liệu thỏ vào nhà máy nguyên liệu dược phẩm của tập đoàn tại Việt Nam, đồng thời đang xem xét việc xuất khẩu thịt thỏ từ Việt Nam ra nước ngoài.

Còn ông Trương Xuân Cừ, Phó Ban chỉ đạo Tây Bắc cũng cho biết, tỉnh Yên Bái cần kêu gọi người dân tham gia xây dựng môi trường kinh doanh và “dù một đồng cũng trân trọng” các nhà đầu tư nước ngoài. Ông cũng cho rằng, tỉnh cần chú trọng phát triển các doanh nghiệp địa phương bên cạnh doanh nghiệp nước ngoài…/.

Mai Đan