tham nhung

Toàn cảnh hội thảo "Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam". Ảnh:HT

Đây là công bố của Thanh tra Chính phủ tại Hội thảo Đối thoại Phòng chống tham nhũng lần thứ 12 với chủ đề “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, thúc đẩy thực hiện Liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam” do Thanh tra Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Đại sứ Vương Quốc Anh tổ chức vào sáng qua (30/10).

Theo đánh giá về tình hình tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của DN ở Việt Nam của Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) và Công ty Monaco, tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN của một bộ phận cán bộ công chức nhà nước là khá phổ biến, làm tăng chi phí, mất thời gian, giảm hiệu quả hoạt động và gây tâm lý bức xúc cho DN.

Đáng chú ý, việc hình thành các “nhóm lợi ích” là hiện tượng không mới, nhưng rất đáng lo ngại, dư luận xã hội đang rất quan tâm vì đã tác động tiêu cực, làm biến dạng các quan hệ thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh không chính đáng cho “nhóm lợi ích”, gây thiệt hại cho các nhóm đối tượng khác trong xã hội.

Doanh nghiệp vừa nạn nhân, vừa là tác nhân của tham nhũng
 70% số trường hợp đưa hối lộ là do doanh nghiệp chủ động thực hiện.   Ông Trần Đức Lượng

Hối lộ thương mại cũng là một thực trạng khá phổ biến giữa DN và DN, nhất là DNNN và DN tư nhân. Điều đáng quan ngại là tình trạng DN đã hối lộ hay chi trả “phí môi giới” khi vay vốn tại các NHTM để có thể tham gia đấu thầu, tiếp cận các chính sách ưu đãi.

Cũng theo đại diện của Công ty Monaco, nhận thức của DN về tác động tiêu cực của tham nhũng, hối lộ… có những khác biệt, nhưng đa số các DN cho rằng cần phải đánh giá tổng thể tình trạng tham nhũng, hối lộ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của DN và nền kinh tế quốc gia trong dài hạn.

Tuy vậy ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, qua nghiên cứu do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện mới đây, mặc dù hầu hết các DN đều cho rằng tham nhũng được coi là vấn đề đáng quan ngại thứ hai, chỉ sau giá cả sinh hoạt đắt đỏ, nhưng chỉ có 30% số trường hợp DN đưa hối lộ là do công chức gợi ý, nhũng nhiễu; còn lại có tới 70% số trường hợp đưa hối lộ là do doanh nghiệp chủ động thực hiện. Thực trạng đó chứng tỏ DN vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân của tham nhũng.

Bà Trần Thị Hương Lan, chuyên gia về Quản trị Nhà nước, Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, DN góp phần tạo ra vòng luẩn quẩn của tham nhũng hành chính. Theo số liệu của bà Lan đưa ra thì hơn 75% DN đưa hối lộ dù không bị gợi ý.

Do vậy, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là cần thúc đẩy thực hiện liêm chính trong hoạt động của các DN. Hội thảo này là cơ hội để các cơ quan quản lý, các DN và các bên liên quan khác trao đổi để đạt được sự đồng thuận về nhận thức trong vấn đề này. Đây là tiền đề để các DN cùng hành động, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, phi tham nhũng hướng tới sự phát triển bền vững./.

Trung Ninh