Dòng tiền ngoại cho thấy sự tích cực

Dù khối ngoại có bán ròng khoảng 1 nghìn tỷ đồng trong tháng 7 vừa qua, tuy nhiên tính từ đầu năm tới nay, khối này vẫn duy trì xu thế mua ròng. Đặc biệt, trong nhiều tháng qua, dòng tiền khối ngoại đã góp phần tích cực vào xu thế hồi phục của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho biết kể từ tháng 4, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu quay trở lại mua ròng trên TTCK Việt Nam. Khối lượng mua ròng từ tháng 4 đến tháng 6 gần 10.400 tỷ đồng và nếu tính trong 7 tháng năm 2022, khối ngoại mua ròng hơn 1.600 tỷ đồng. “Diễn biến này tôi cho là rất tích cực nếu như nhìn lại bối cảnh khối ngoại bán ròng liên tục từ giữa năm 2020” - bà Hiền nhấn mạnh.

Dòng vốn ngoại thông minh vẫn sẽ chọn Việt Nam là điểm đến

Cũng theo chuyên gia này, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu lạc quan với TTCK Việt Nam, khi Việt Nam vẫn là điểm sáng tăng trưởng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 7 tháng năm 2022, nền kinh tế tiếp tục phục hồi trên nhiều lĩnh vực, như kim ngạch xuất khẩu, dịch vụ tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, thu ngân sách nhà nước và lượng khách du lịch quốc tế. Cùng với đó, chính sách điều hành chắc tay của Ngân hàng Nhà nước đã được kiểm định trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ. Lạm phát của Việt Nam đang có xu hướng tăng lên theo tình hình chung của thế giới, song vẫn được kiểm soát ở mức có thể chống chịu. Đồng tiền Việt Nam tiếp tục duy trì sức mạnh ổn định, trong bối cảnh các đồng tiền khác trong khu vực như Yên (Nhật), Ringgit (Malaysia), Baht (Thái)… chịu áp lực mất giá trước đồng USD.

Nhiều chuyên gia dự báo khối ngoại sẽ duy trì xu thế mua ròng trong những tháng cuối năm. Ảnh: Duy Dũng
Nhiều chuyên gia dự báo khối ngoại sẽ duy trì xu thế mua ròng trong những tháng cuối năm. Ảnh: Duy Dũng

Chuyên gia của VNDIRECT phân tích thêm, trong những tháng đầu năm, khi những lo ngại về lạm phát toàn cầu gia tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt, xung đột địa chính trị leo thang giữa Nga - Ukraine thì TTCK Việt Nam đã điều chỉnh giống như hầu hết các thị trường mới nổi, khiến định giá của thị trường rơi xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. Điều này kích hoạt dòng vốn nước ngoài quay trở lại tìm kiếm cơ hội đầu tư ở những cổ phiếu đầu ngành có mức định giá hấp dẫn với rủi ro giảm giá thấp.

“Cuối cùng, tôi cho rằng những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc rà soát, điều tra, xử lý các sai phạm trên thị trường chứng khoán từ đầu năm cũng góp phần nâng cao tính minh bạch của thị trường và tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài” - bà Khánh Hiền nói.

Việt Nam còn nhiều yếu tố hấp dẫn vốn ngoại

Trong báo cáo vừa phát hành, các chuyên gia của SSI Research cho rằng, mặc dù khối ngoại có bán ròng hơn 1 nghìn tỷ đồng trong tháng 7, nhưng thực tế xu hướng mua ròng của khối ngoại đã được ghi nhận trong 2 tuần cuối của tháng.

“Điểm tích cực trong tháng là chúng tôi quan sát thấy giao dịch khối ngoại tại các quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia đã chuyển dịch sang mua ròng trong tháng 7, hay mức độ bán ròng giảm mạnh như quan sát thấy ở Indoneasia và Phillipines" - chuyên gia của SSI Research cho hay.

Dòng vốn ETF vẫn còn sức hấp dẫn

Theo các chuyên gia của SSI Research, dòng vốn ETF vẫn có thể duy trì sức hấp dẫn nhất định, với các sản phẩm mới ra mắt như quỹ DCVFMVNMIDCAP (tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa thuộc chỉ số VNMidcap) và quỹ KIM VNFINSELECT (tập trung vào các cổ phiếu tài chính thuộc chỉ số VNFIN Select). Bà Trần Thị Khánh Hiền cũng cho rằng, ETF vẫn là một sản phẩm đầu tư thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Nguyên nhân vẫn là dòng tiền khối ngoại thời gian tới vẫn chủ yếu đến từ các nước trong khu vực như Đài Loan, Thái Lan,… nơi các nhà đầu tư cá nhân chiếm chủ đạo về giao dịch. Trong khi ETF là một sản phẩm đơn giản và là cách nhanh nhất để nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều cổ phiếu đầu ngành đã đạt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa, thì sở hữu ETF cũng sẽ là một lựa chọn hợp lý.

Bà Trần Thị Khánh Hiền cũng cho rằng, trong khi các nhà tư đầu từ Mỹ, châu Âu còn tương đối thận trọng, thì các nhà tư trong khu vực như Đài Loan, Singapore, Thái Lan,… lại rất lạc quan về TTCK Việt Nam. “Điều này cũng khá dễ hiểu vì trong bối cảnh FED nâng lãi suất điều hành, thì dòng vốn có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, dòng vốn thông minh trong khu vực vẫn lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, do họ hiểu rõ đặc tính của TTCK Việt Nam và tin rằng câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam cũng sẽ như các thị trường Thái Lan, Đài Loan 5 năm hay 10 năm về trước. Vì vậy khi thị trường giảm là cơ hội để giải ngân và tích lũy” - chuyên gia của VNDIRECT lý giải.

Nhận định về xu hướng dòng vốn vào TTCK Việt Nam, chuyên gia của SSI Research duy trì góc nhìn trung lập đối với xu hướng dòng tiền trong thời gian tới. Tuy nhiên, quy mô rút ròng kỳ vọng sẽ không quá cao, thậm chí có thể sẽ vào ròng nhẹ sau những điều chỉnh linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định vĩ mô và dòng vốn vào cổ phiếu toàn cầu trong thời gian qua đã phần nào phản ánh những rủi ro trước mắt. “Trên hết, triển vọng dài hạn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì tích cực có thể sẽ kích hoạt dòng tiền từ các quỹ chủ động giải ngân” - chuyên gia của SSI Research nhấn mạnh.