HSBC

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam.

Tăng trưởng tín dụng 14 - 15% là tín hiệu tích cực

Bình luận về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2018, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải cho rằng, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ đạt khoảng 14 - 15%, cách xa kế hoạch 17% bởi nhiều lý do, mà quan trọng nhất là các ngân hàng ngày càng lựa chọn hơn khi cho vay. Thực tế, ông Phạm Hồng Hải cho rằng việc tăng trưởng tín dụng ở mức 14 - 15% là một thông điệp tốt mà các công ty xếp hạng tín nhiệm rất hoan nghênh. Điều này cho thấy, tăng trưởng tín dụng thấp hơn kế hoạch nhưng chúng ta vẫn duy trì được đà tăng trưởng kinh tế tốt, chứng tỏ dòng vốn đã đi vào những lĩnh vực chất lượng, hiệu quả hơn.

"Điều này phản ánh thực tế là không phải cứ tăng trưởng tín dụng cao mới đạt kết quả kinh doanh tốt. Nhiều ngân hàng, kể cả ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước, đều đã tập trung nhiều hơn vào mảng dịch vụ. Một tác động đáng kể nữa đến lợi nhuận các ngân hàng là trích lập dự phòng giảm, hầu như các khoản cũ trước đây đã trích lập xong và hiện tại đa số không phải trích lập cho các khoản mới, nhất là với các ngân hàng lớn", ông Phạm Hồng Hải nhận định.

Tuy nhiên, trong khi tăng trưởng tín dụng thấp hơn mục tiêu thì một con số đáng lưu ý là tỷ lệ nợ xấu đã tăng nhẹ so với đầu năm, sau vài năm giảm liên tục. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu đến hết tháng 6/2018 là 2,09%, so với tỷ lệ đầu năm là 1,99%.

Về con số này, ông Phạm Hồng Hải cho rằng đây không phải là điều bất thường bởi chúng ta đã có mức tăng trưởng tín dụng cao trong một giai đoạn dài từ khoảng năm 2014 đến nay. Điều này chắc chắn sẽ phải có nợ xấu phát sinh. "Nợ xấu năm nay không nhất thiết là từ tín dụng năm nay mà có thể từ những năm trước. Khi tăng trưởng tín dụng cao, chắc chắn phải có nợ xấu. Tùy chiến lược ngân hàng, nếu tập trung khách hàng tốt thì tỷ lệ nợ xấu sẽ thấp", ông Hải nhận định.

Tuy nhiên, một vấn đề khác mà ông Phạm Hồng Hải lưu ý là dư nợ cho vay bất động sản, cơ sở hạ tầng vẫn là ẩn số. Theo số liệu báo cáo, cho vay bất động sản không cao, thậm chí giảm, nhưng nhiều quan điểm trên thị trường cho rằng một số ngân hàng đi vòng qua cho vay tiêu dùng, hạch toán vào những hạng mục khác… Đây cũng là rủi ro, vì các khoản cho vay đường sá, cơ sở hạ tầng vẫn còn gặp trục trặc, như các dự án BOT, chưa thực sự thông suốt… Theo ông Phạm Hồng Hải, nếu kinh tế vĩ mô vẫn tăng trưởng tốt như hiện nay thì không vấn đề gì. Vấn đề chỉ xảy ra nếu có sự giảm tốc đột ngột hoặc NHNN buộc phải tăng lãi suất lên nhanh, lúc đấy sẽ có rủi ro của hệ thống.

Thực tế, phải khẳng định nhu cầu nhà ở thực của người dân còn rất lớn và cần hỗ trợ. Tuy nhiên, điều cần hạn chế là việc cho vay để đầu cơ, gây bất ổn cho thị trường bất động sản. Chính vì thế, dù có nhiều quan điểm trái chiều nhưng ông Phạm Hồng Hải cho rằng thuế tài sản vẫn cần được áp dụng, vấn đề chỉ là áp dụng thế nào. Thuế tài sản đã được áp dụng phổ biến trên thế giới và sẽ giúp loại bớt hiện tượng đầu cơ, tích trữ. Việc hạn chế đầu cơ sẽ giúp giảm rủi ro trên thị trường bất động sản.

Lãi suất có thể phải điều chỉnh trước áp lực tỷ giá

Liên quan đến vấn đề đang được quan tâm hiện nay là câu chuyện tỷ giá, lãi suất, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam bình luận, trong bối cảnh Mỹ còn tiếp tục tăng lãi suất, đồng nhân dân tệ (CNY) vẫn mất giá mạnh, khả năng Việt Nam có thể hạ lãi suất thời gian tới. "Nhiều khả năng lãi suất tiền đồng sẽ phải điều chỉnh nếu lạm phát lên gần mức 4%, cộng thêm áp lực mất giá. Điều này sẽ đưa ra thông điệp cho thị trường là NHNN chấp nhận tăng lãi suất để tăng tính hấp dẫn cho tiền đồng và tạo sự ổn định cho thị trường. Thực ra, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã được điều chỉnh gần đây, phản ánh cung cầu trên thị trường. Tuy nhiên, thông điệp của NHNN là rất quan trọng", ông Phạm Hồng Hải nhận định.

Cùng với đó, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng chính sách ngoại hối cần tiếp tục sự linh hoạt, uyển chuyển. Sau khi đồng nhân dân tệ (CNY) mất giá thêm, HSBC dự báo từ nay đến cuối năm, có thể tiền đồng giảm giá thêm từ 0,5 - 1% để giảm áp lực về cạnh tranh của đồng Việt Nam so với CNY và các đồng tiền khác trong khu vực./.

Hoàng Yến