ht

Toàn cảnh hội thảo

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết tại cuộc hội thảo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhằm lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, tổ chức, công ty chứng khoán (CTCK) về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), diễn ra ngày 23/7.

Tăng thẩm quyền của UBCKNN trong thanh tra, giám sát, nhân sự…

Tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh cho biết, sau khi trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7, các đại biểu nhìn chung đánh giá cao dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) với hồ sơ hoàn chỉnh, nội dung cụ thể, giải trình chi tiết. Cùng với đó, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để bổ sung, hoàn thiện dự thảo luật. Trong đó, một số vấn đề nhận được khá nhiều ý kiến quan tâm, đóng góp khác nhau như về thẩm quyền, vị trí của UBCKNN; về việc chào bán chứng khoán riêng lẻ; về mô hình của sở giao dịch chứng khoán (GDCK)…

Về vị thế của UBCKNN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải khẳng định, Bộ Tài chính không có quan điểm, mục đích phải giữ UBCKNN trong Bộ Tài chính. Căn cứ thực tế triển khai hoạt động của UBCKNN thời gian qua, trong giai đoạn phát triển mới, Bộ Tài chính đã đưa ra phương án trình Chính phủ và Chính phủ đã báo cáo Quốc hội. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục ghi nhận, báo cáo đầy đủ các ý kiến và các phương án với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét quyết định. Điều chắc chắn là, dự thảo sẽ có bước tiến tối đa về tăng thẩm quyền, vị thế cho UBCKNN, để Ủy ban thực sự có khả năng, điều kiện để thực thi nhiệm vụ, chức trách của mình.

Trong đó, vị trí của UBCKNN tiếp tục là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm góp ý. Bà Vũ Thị Kim Liên - nguyên Phó Chủ tịch UBCKNN cho rằng, kể từ năm 2004, khi UBCKNN được đưa về Bộ Tài chính, Ủy ban đã được hỗ trợ rất nhiều để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, với sự điều hành của Bộ Tài chính, sự gắn kết giữa cổ phần hóa với thị trường chứng khoán (TTCK) chặt chẽ và hỗ trợ tích cực lẫn nhau đã khiến TTCK ngày càng phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, đến giai đoạn này, nguyên Phó Chủ tịch UBCKNN cho rằng, cần xem xét lại vị thế của UBCKNN trước yêu cầu của hội nhập quốc tế theo hướng để UBCKNN tách khỏi Bộ Tài chính. Điều này giúp làm tăng vị thế, tăng sự độc lập của UBCKNN trong việc xử lý các vấn đề phát sinh.

Về vấn đề này, ông Vũ Bằng - nguyên Chủ tịch UBCKNN cho rằng, dù trên thế giới có nhiều mô hình khác nhau về vị trí của UBCKNN, có thể độc lập hoặc trực thuộc Bộ Tài chính, thuộc ngân hàng trung ương song để điều hành thị trường hiệu quả thì điều quan trọng là thẩm quyền được quy định tốt. “Dù trong hay ngoài thì vấn đề là tăng quyền hạn, tạo đủ thẩm quyền cho Ủy ban xử lý các tình huống, có đủ quyền lực răn đe, giám sát trên thị trường. Còn trong bối cảnh hiện nay, việc đưa UBCKNN ra độc lập sẽ rất khó khăn” - ông Vũ Bằng nhận định.

Thay vào đó, ông Vũ Bằng đề nghị dự thảo nên quy định theo hướng tăng thẩm quyền của UBCKNN đối với các sở GDCK; thẩm quyền trong thanh tra, giám sát; thẩm quyền trong quyết định nhân sự… Đây cũng là quan điểm được đại diện Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đồng tình.

Đề nghị có cơ chế xử lý nợ xấu cho các CTCK

Ngoài ra, tại hội thảo các đại biểu cũng nêu ý kiến về một số vấn đề khác. Đại biểu Quốc hội Phạm Quang Thanh đề nghị dự thảo có quy định tính toán quy trình, thủ tục, thời gian phát hành tối ưu nhất cho doanh nghiệp (DN) để nâng cao vai trò huy động vốn của TTCK, thay vì như hiện nay, DN khi cần vốn thường nghĩ đến ngân hàng. “Luật cần thiết kế sao để khi DN cần vốn thì nghĩ đến TTCK. Khi thị trường phát triển, DN bị chấm dứt giao dịch là coi như bị tách khỏi nguồn vốn, khi đó DN mới thấy được vai trò của thị trường, thấy được tầm quan trọng trong phát hành” - đại biểu Phạm Quang Thanh nói.

Đại diện CTCK Vietinbank đề nghị dự thảo nên có cơ chế để xử lý nợ xấu của các CTCK, bởi hiện nay nhiều CTCK có nợ xấu nhưng lúng túng vì thiếu cơ chế xử lý.

Để khắc phục tình trạng chậm niêm yết sau IPO, đại diện Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán đề nghị dự thảo quy định theo hướng khi nộp hồ sơ IPO phải đăng ký rõ việc niêm yết ở đâu, kế hoạch niêm yết cụ thể để sau khi IPO thì tự động niêm yết trên sàn giao dịch đã đăng ký, tránh thực tế hiện nay có những DN công bố hồ sơ rất đẹp khi IPO nhưng vài năm sau vẫn chưa niêm yết. Một số đại biểu đề nghị xem xét quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ, về phát hành riêng lẻ của DN khởi nghiệp sáng tạo, về mô hình của sở GDCK.

Lắng nghe và ghi nhận các ý kiến tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cũng đã phát biểu làm rõ hơn các vấn đề được đại biểu nêu.

Về vị thế của UBCKNN, Thứ trưởng khẳng định Bộ Tài chính không có quan điểm, mục đích phải giữ UBCKNN trong Bộ Tài chính. Căn cứ thực tế triển khai hoạt động của UBCKNN thời gian qua, trong giai đoạn phát triển mới, Bộ Tài chính đã đưa ra phương án trình Chính phủ và Chính phủ đã báo cáo Quốc hội. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục ghi nhận, báo cáo đầy đủ các ý kiến và các phương án với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét quyết định. Điều chắc chắn là, dự thảo sẽ có bước tiến tối đa về tăng thẩm quyền, vị thế cho UBCKNN, để Ủy ban thực sự có khả năng, điều kiện để thực thi nhiệm vụ, chức trách của mình.

Về chào bán chứng khoán riêng lẻ, Thứ trưởng cho biết đây là nội dung rất cân nhắc khi soạn thảo vì đây là Luật Chứng khoán, chỉ điều chỉnh các công ty và hoạt động liên quan đến chứng khoán. Do đó, dự thảo chỉ tập trung điều chỉnh đối với chào bán riêng lẻ của các công ty đại chúng. Về các ý kiến phản ánh việc thực thi Nghị định 163/2018/NĐ-CP, Bộ Tài chính đang khẩn trương xem xét để phối hợp các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ, nếu cần sẽ sớm điều chỉnh trong thời gian tới và cân nhắc việc quy định cụ thể hơn trong luật.

Đối với các ý kiến về phát hành của DN khởi nghiệp sáng tạo, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải cho biết cơ quan soạn thảo đã giải trình cụ thể. Do đây là vấn đề rất mới, nên cơ quan soạn thảo sẽ đi theo hướng ghi nhận ý kiến đại biểu để tới đây khi nghiên cứu trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn sẽ quy định cụ thể hơn, đồng thời tiếp tục sửa trong quá trình thực hiện. Sau thời gian thực hiện, các kinh nghiệm rút ra sẽ được đưa vào luật để đảm bảo tính ổn định cao hơn.

Về mô hình sở GDCK, theo số liệu của Bộ Tài chính, UBCKNN thu thập, mô hình công ty mẹ con là xu thế tiên tiến đang được nhiều nước áp dụng, không phải mô hình lạc hậu như một số thông tin nêu, Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ. Về xử lý nợ xấu của CTCK, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ ghi nhận để cân nhắc có nên đưa vào luật này hay không, bởi không phải mọi vấn đề đều có thể quy định trong luật.

Theo dự kiến, Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến, làm việc với các sở GDCK để cùng cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào giữa tháng 8 tới.

Hoàng Yến