Tiết kiệm triệt để về chi thường xuyên

Đến năm 2019 - 2020, kiên quyết thoái hết vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ.

Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh chính phủ

Năm 2018 được đánh giá là năm bản lề, quyết định trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, đồng thời cũng là năm đánh giá giữa kỳ khả năng hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2018 và các nhiệm vụ đã được đề ra tại các nghị quyết của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương được yêu cầu tập trung triển khai hàng loạt nhiệm vụ cụ thể.

Với Bộ Tài chính, một trong những nhiệm vụ quan trọng được nêu tại dự thảo là tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách. Bám sát và thực hiện đúng nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và quốc phòng, an ninh.

Trong lĩnh vực quản lý thuế, tổ chức thực hiện tốt các luật thuế, phí và lệ phí; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế; tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu, xử lý và ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn thuế; phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN.

Cùng với đó là nhiệm vụ tăng cường quản lý các quỹ ngoài ngân sách, quản lý nợ công theo mục tiêu Quốc hội đề ra, bảo đảm nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn quy định. Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay mới. Kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ của Trung ương và địa phương, không chuyển vốn vay về cho vay lại và bảo lãnh chính phủ thành vốn cấp phát NSNN.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng được yêu cầu tổ chức đánh giá tổng kết việc áp dụng cơ chế tài chính đặc thù đối với một số lĩnh vực, tiến tới giảm dần áp dụng cơ chế đặc thù đối với nhiệm vụ quản lý nhà nước. Phát triển và nâng cao hoạt động của các thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản, thúc đẩy thị trường mua bán nợ.

Tăng cường giám sát thu - chi NSNN

Đối với các địa phương, bộ ngành, nhiệm vụ chung được nhấn mạnh là tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; đẩy mạnh việc thực hiện khoán sử dụng xe công, khoán chi hành chính, đấu thầu, đặt hàng trong cung ứng dịch vụ công. Dự thảo nghị quyết chỉ rõ, tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin đi đôi với tăng cường giám sát trong quản lý thu, chi NSNN.

Cùng với đó là việc phân bổ vốn cho các chương trình, dự án có hiệu quả, có kế hoạch cắt giảm vốn đối với dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho dự án có khối lượng hoàn thành cao, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không dư thừa nguồn vốn; tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang, hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng.

Tăng cường thu hút có chọn lọc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lựa chọn các dự án hiệu quả, khắc phục tình trạng DN FDI báo lỗ, chuyển giá, bảo đảm các yêu cầu về chuyển giao công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa, bảo vệ môi trường; tăng cường liên kết DN trong nước với DN FDI lớn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm.

Thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN

Về nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Kiên quyết thoái hết vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường. Đánh giá, tổng kết hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN.

Các bộ, ngành, địa phương có nhiệm vụ tập trung vào các giải pháp triển khai quyết liệt, tạo chuyển biến căn bản trong cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành sản xuất, kinh doanh, trong đó trọng tâm là cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, cơ cấu lại, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả của DN; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Triển khai ngay việc cơ cấu lại, cổ phần hóa DNNN theo đúng đề án, tiến độ, lộ trình đề ra, không dồn việc thoái vốn vào cuối giai đoạn (năm 2019 - 2020), kiên quyết thoái hết vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chậm triển khai, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tổ chức đánh giá tổng kết việc áp dụng cơ chế tài chính đặc thù đối với một số lĩnh vực, tiến tới giảm dần áp dụng cơ chế đặc thù đối với nhiệm vụ quản lý nhà nước. Phát triển và nâng cao hoạt động của các thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản, thúc đẩy thị trường mua bán nợ.

D.A