Thanh khoản xuống đáy 2 tháng

Dòng tiền dè dặt giao dịch là điều đã thể hiện trong 2 phiên trước, sau khi thị trường giảm chạm đáy 1.400 điểm hôm 6/12 vừa qua. Thị trường phục hồi với thanh khoản yếu do nhà đầu tư lo ngại đây chưa phải là kết thúc của nhịp điều chỉnh.

Tuy vậy yếu tố cung cầu quan trọng hơn suy nghĩ của nhà đầu tư. Dù lực mua rất yếu nhưng do nhà đầu tư cũng không chịu bán ra nhiều, thanh khoản do đó đang tụt xuống mức rất thấp. Kể từ khi VN-Index chạm đáy 1.400 điểm, giao dịch khớp lệnh sàn HoSE tụt từ 30 ngàn tỷ đồng xuống quanh 20 ngàn tỷ và hôm nay chỉ còn chưa tới 18 ngàn tỷ đồng.

Găm hàng T3, thanh khoản xuống thấp kỷ lục
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Giao dịch giảm nhưng giá cổ phiếu tăng khá tốt, nên thị trường vẫn trong trạng thái tích cực. VN-Index đóng cửa hôm nay tăng 1,04% so với tham chiếu với độ rộng khả quan: 321 mã tăng/130 mã giảm. Vn30-Index tăng 0,89%, midcap tăng 1,71% và smallcap tăng 1,31%.

Thị trường tiếp tục tăng trên diện rộng có yếu tố thuận lợi do thị trường quốc tế cũng quay đầu phục hồi rất mạnh. Những thông tin về biến chủng covid mới không xấu thêm. Về mặt kỹ thuật, VN-Index chạm ngưỡng hỗ trợ 1.400 điểm cũng củng cố tâm lý. Đây là những lý do thuyết phục nhà đầu tư bắt đáy thành công không vội vàng chốt lời.

Lối giao dịch tăng giá dựa trên thanh khoản thấp không phải mới diễn ra lần đầu. Thanh khoản hôm nay giảm xuống đáy 2 tháng cũng không phải là tiêu cực. VIC tăng 1,04%, SSI tăng 3,86%, CTG tăng 2,27%, FPT tăng 1,46%... đều có thanh khoản thấp xa so với mức bình quân 20 ngày. Lý giải duy nhất là nhà đầu tư muốn mua, nhưng không có nhiều cổ phiếu để mua, vì vậy phải tăng giá mua lên.

Thanh khoản là sự gặp nhau của bên mua và bên bán. Do đó thanh khoản thấp là xấu hay tốt còn phụ thuộc vào bên nào mạnh hơn. Rõ ràng là để giá tăng bên mua phải tăng giá. Do đó thanh khoản thấp hôm nay cũng như 2 phiên liền trước thể hiện sự yếu thế của người bán. Đó lại là nét tích cực của thanh khoản.

Dòng tiền cần bùng nổ trở lại

Thống kê sàn HoSE hôm nay thì cũng chỉ có khoảng 100 mã tăng giá hơn 2%. Đó không phải là sức nóng quá độ. Đặc biệt số lượng cổ phiếu đầu cơ tăng kịch trần cũng không nhiều, chỉ 15 mã, trong đó chừng chục mã là có thanh khoản khá tốt.

Như vậy cường độ tăng giá cổ phiếu hôm nay cũng không phải là quá mạnh. Nói cách khác, bên mua có nâng giá và bên bán xả ít hàng, nhưng giao dịch vẫn có thể gặp nhau ở vùng giá cao. Trường hợp duy nhất thể hiện sức mua không được đáp ứng là trạng thái tăng giá kịch trần và mất thanh khoản. Hôm nay chỉ có vài mã như vậy.

Mặt trái của hiện tượng kìm nén cổ phiếu bắt đáy giá rẻ lại là quy mô của khối lượng đó sẽ tăng dần theo thời gian. Áp lực chưa xuất hiện ngày T3 không có nghĩa là sẽ biến mất. Luôn có các hoạt động giao dịch ngắn hạn, hiện tượng bình quân giá, dẫn đến áp lực bán nhiều hơn xuất hiện ở thời điểm nào đó. Đó cũng là thời điểm là dòng tiền cần bùng nổ trở lại để đón nhận và giải phóng khối lượng này.

VN-Index phục hồi hiện tại về mặt cường độ là tương đương 61,8% chiều giảm từ đỉnh vừa qua. Các nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật đều hiểu đây là ngưỡng kháng cự mạnh. Vì vậy có khả năng cao áp lực bán sẽ bắt đầu gia tăng từ phiên kế tiếp. Rất nhiều cổ phiếu đã giảm khá sâu từ đỉnh ngắn hạn sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mắc kẹt thoát ra. Trong trạng thái cung cầu bình thường, thanh khoản gia tăng mới là tín hiệu của sức mạnh, thay vì khả năng tăng mạnh trong vài phiên dựa trên yếu tố tiết cung.

Găm hàng T3, thanh khoản xuống thấp kỷ lục

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

17.950 tỷ đồng (-10%)

631,3 triệu (-14%)

2.480 tỷ đồng (-21%)

88,3 triệu (-27%)