bảo hiểm y tế

Theo Bộ Y tế, mức giá các đơn vị, địa phương đang thực hiện để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT đến nay vẫn chưa tính đủ các chi phí trực tiếp. Ảnh T.L minh họa

Bộ Y tế cho biết, giá dịch vụ y tế nếu tính đúng, tính đủ phải bao gồm 7 yếu tố chi phí gồm: thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị; khấu hao nhà cửa; đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Trên thực tế, dù đã có sự điều chỉnh nhưng viện phí hiện mới tính một phần chi phí trực tiếp, tương đương với 3/7 yếu tố cầu thành, gồm: thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; và duy tu, bảo dưỡng tài sản.

Thực hiện nguyên tắc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, hiện Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Trong đó giá dịch vụ được kết cấu 03 yếu tố chi phí trực tiếp và chi phí chi trả phụ cấp; chưa tính một số yếu tố chi phí phải cộng vào giá trong giai đoạn 2014-2017.

Theo đó, mức viện phí mới của hơn 17.500 kỹ thuật y tế dự kiến sẽ được điều chỉnh sau khi thông tư liên tịch được ban hành. Nếu việc điều chỉnh giá viện phí mới được thông qua, giá giường bệnh dự kiến sẽ tăng thêm 10.000 - 20.000 đồng/ngày, chi phí phẫu thuật, thủ thuật tăng thêm 300.000 – 1,5 triệu đồng/ca tùy từng chuyên khoa, loại hình phẫu thuật.

Đối với việc tính thêm tiền lương cán bộ y tế vào viện phí, bệnh viện hạng đặc biệt và hạng nhất, chi phí tiên lương là 140.000 đồng/giường bệnh, trong đó cơ cấu lương bác sĩ 33.000 đồng; điều dưỡng, y tá 86.000 đồng và các chi phí quản lí, gián tiếp 20.000 đồng.

Mức giá khám bệnh sau khi được kết cấu chi phí trực tiếp và tiền lương đối với bệnh viện hạng đặc biệt và hạng nhất là 40.000 đồng/lượt, hạng nhì: 39.000 đồng, hạng ba: 34.000 đồng và hạng tư: 31.000 đồng.

Theo kế hoạch ban đầu, thông tư liên tịch này sẽ được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8.2015.

Lộ trình thực hiện giá các dịch vụ y tế được BHYT thanh toán tại các bệnh viện cùng hạng như sau: Từ ngày 1.8.2015: thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật).

Từ ngày 1.1.2016: thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp và tiền lương theo quy định. Riêng các bệnh viện được giao tự chủ, tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên được thực hiện từ khi Thông tư có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, Thông tư liên tịch này vẫn chưa được ban hành. Theo Bộ Tài chính, việc chậm trễ ban hành thông tư do còn phải đợi Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định định mức kinh tế kĩ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Trong khi thông tư này, Bộ Y tế hiện vẫn đang lấy ý kiến góp ý.

Trước đó, trong báo cáo làm căn cứ xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch điều chỉnh giá viện phí, Bộ Y tế cho biết, hiện giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập đã được điều chỉnh theo lộ trình quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP, nhưng hiện chậm hơn khoảng 2 năm so với lộ trình.

Chiếu theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/02/2012 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính quy định mức giá tối đa của 447 dịch vụ, kĩ thuật y tế (Thông tư 04), mức giá các đơn vị, địa phương đang thực hiện để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đến nay vẫn chưa tính đủ các chi phí trực tiếp.

Trong đó, mức giá đang thực hiện bình quân so với mức tối đa của Thông tư 04 của nhóm các bệnh viện tuyến trung ương hạng đặc biệt, đầu ngành tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mới đạt mức khoảng 94 - 95%. Tương tự, mức giá bình quân của nhóm các bệnh viện hạng I đóng tại các địa phương là khoảng 90 - 92%; nhóm các bệnh viện trung ương còn lại vào khoảng 88% mức tối đa của Thông tư 04.

Còn tại các bệnh viện thuộc địa phương, tính đến nay, 5 tỉnh bình quân thực hiện đạt dưới 70%; 33 tỉnh từ 70 - 80%; 25 tỉnh trên 80% đến 93 - 94% mức tối đa của Thông tư số 04.

Cũng theo Bộ Y tế, Thông tư 04 được xây dựng trên cơ sở định mức kinh tế kĩ thuật của 3 yếu tố chi phí trực tiếp nên có thể coi giá tối đa quy định tại thông tư là giá tính đủ chi phí trực tiếp.

Việc thực hiện Thông tư 04 đã theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là điều chỉnh có lộ trình, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm cân đối quỹ BHYT, quyền lợi của người có thẻ BHYT từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, mức giá các đơn vị, địa phương đang thực hiện để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT đến nay vẫn chưa tính đủ các chi phí trực tiếp./.

Hoàng Lâm