đth

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải.

Sẽ trình phương án tăng giá điện trong tháng 3

Trả lời câu hỏi về phương án tăng giá điện sắp tới, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biế,t từ trước Tết, giá điện đã có điều kiện để điều chỉnh tuy nhiên Thủ tướng đã chỉ đạo chưa tăng để tránh ảnh hưởng tâm lý doanh nghiệp (DN) và người dân. Sau Tết, tuỳ theo đề xuất của EVN, nếu mức tăng từ 7-10%, Bộ Công Thương sẽ xem xét và quyết định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3. Nếu mức tăng trên 10% thì EVN sẽ báo cáo Bộ Tài chính, khi có ý kiến của EVN và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét. Sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, phương án tăng giá điện sẽ được công bố.

Mặc dù giá xăng dầu đã giảm mạnh thời gian qua, nhưng Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết sản lượng điện sản xuất qua xăng dầu chỉ chiếm 0,55%. Vì vậy, giá xăng dầu hầu như không tác động đến chi phí sản xuất điện. Trong khi đó, có nhiều mặt hàng đã tăng giá làm ảnh hưởng đến giá điện, ví dụ như giá than, giá khí, thuế tài nguyên.

Thứ trưởng cũng đưa ra các con số để so sánh rằng, giá điện ở Việt Nam vẫn thấp so với các nước. Cụ thể, giá điện Việt Nam là 7,7 cent/1 kWh điện, trong khi ở Philippines là 21,72 cent/1 kWh điện, Singapore là 21,3 cent/1 kWh , Thái Lan 10,65 cent và Malaysia là 7,29 cent...

Liên quan đến việc cổ phần hoá DN ngành điện chậm trễ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng phải đặt lại vấn đề là tại sao nhà đầu tư không mặn mà với ngành điện. Nếu giá điện thương phẩm cố định, không hấp dẫn thì sẽ khó thu hút DN đầu tư.

Bán sân bay nằm trong kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải

Một vấn đề khác cũng rất được quan tâm là việc bán quyền khai thác các sân bay cho tư nhân. Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn HồngTrường, việc xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là mục tiêu của chúng ta. Chính phủ đã giao Bộ GTVT xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ đường bộ mà cả đường sắt, hàng hải, đường không… Chính vì vậy, việc chuyển nhượng khai thác, bán các dự án cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước nằm trong kế hoạch của Bộ GTVT.

Riêng việc khai thác sân bay có nhiều nội dung khác nhau. Việc khai thác hệ thống nhà ga và dịch vụ trong nhà ga đều được các nước trên thế giới xã hội hóa, kể từ đầu tư nhà ga cho đến dịch vụ bán hàng, check in, check out, trừ những dịch vụ an ninh. Gần đây, Vietjet Air đã đề nghị nhượng quyền khai thác nhà ga T1 và sảnh E sân bay Nội Bài. Bộ GTVT đã đồng ý nhưng cũng yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không xây dựng phương án đấu thầu, nhà thầu nào đáp ứng các tiêu chí với giá hợp lý nhất thì sẽ được nhượng quyền khai thác.

Đối với việc xã hội hóa đầu tư sân bay, trong đó có sân bay Long Thành, Thứ trưởng Đỗ Hồng Trường cho biết sẽ làm trên cơ sở thành lập các công ty cổ phần, lợi nhuận chia theo tỷ lệ cổ phần đầu tư. Với sân bay Phú Quốc, Bộ GTVT đã xây dựng, trình phương án xin Thủ tướng Chính phủ bán toàn bộ sân bay về phần dịch vụ khai thác và một phần đầu tư xây dựng; còn toàn bộ hoạt động quản lý bay, cũng như an ninh quốc phòng đều thuộc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam.

Tại cuộc họp, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã trả lời vấn đề liên quan đến việc NHNN mua lại các ngân hàng yếu kém. Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, khi Ngân hàng Xây dựng (VNCB) có vốn điều lệ âm so với vốn pháp định, NHNN đã thực hiện giải pháp mua lại ngân hàng này với giá 0 đồng.

Việc NHNN trực tiếp mua cổ phần hay chỉ đạo NHTM tham gia mua cổ phần là một trong những giải pháp mà NHNN thực hiện trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng. NHNN đã đánh giá và thực hiện tái cơ cấu các NHTM yếu kém, bởi đây là các mắt xích có thể gây đổ vỡ hệ thống. Về kế hoạch cụ thể với những ngân hàng này, bản thân các ngân hàng sẽ làm việc với nhau và có đề án trình NHNN xem xét phê duyệt./.

H.Y