Một số đơn vị tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn

“Sốt ruột” trước tiến độ ì ạch giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều bộ, ngành, địa phương, trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ liên tục đưa ra các biện pháp thúc đẩy giải ngân, giúp phục hồi nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, ngày 22/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1962/QĐ-TTg thành lập 6 Tổ công tác do đích thân các Phó Thủ tướng Chính phủ cùng 2 Bộ trưởng (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) làm tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: HỒNG VÂN
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Với sự vào cuộc của Chính phủ, tiến độ giải ngân những tháng cuối năm 2021 đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước thì tỷ lệ giải ngân vẫn đạt thấp.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân ước hết năm 2021 đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với trên 356.578,8 tỷ đồng đã được giải ngân. Cùng thời điểm này năm ngoái, cả nước giải ngân đạt trên 82,6%.

Ngoài các bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80% như: Hội Nhà báo Việt Nam (100%), Ngân hàng Phát triển (100%), Bà Rịa - Vũng Tàu (95,7%), Hải Dương (91,4%), vẫn còn tới 30 bộ và 16 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 65%. Trong đó, có 20 bộ và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Đáng chú ý, vẫn còn 3 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn được giao.

Tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Với các dự án trọng điểm, trong khi Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã giải ngân đạt 82,6% kế hoạch vốn năm 2021 được giao, thì Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành mới giải ngân được 19,5% kế hoạch vốn năm 2021.

Còn nhiều “rào cản”

Bộ Tài chính cho biết, sau khi tổng hợp kết quả tại 6 tổ công tác của Chính phủ cho thấy, vẫn còn một số tồn tại, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, công tác giao kế hoạch còn chậm. Các dự án khởi công mới đến tháng 7 Quốc hội mới thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tháng 9, Thủ tướng Chính phủ mới giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nên cuối tháng 9, đầu tháng 10 các bộ, cơ quan trung ương và địa phương mới phân bổ và giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương cho các dự án khởi công mới. Mặt khác, hiện nay một số đơn vị còn nhiều dự án khởi công mới vẫn đang phải chờ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được thông qua theo quy định tại Nghị quyết số 129/2020/QH14 của Quốc hội, với tỷ lệ kế hoạch vốn năm 2021 bố trí cho các dự án này rất lớn như: Bộ Thông tin và Truyền thông (95% kế hoạch); Bộ Nội vụ (87%); Bộ Ngoại giao (86%). Do đó, tỷ lệ giải ngân của các đơn vị này đang đạt rất thấp.

Trên 5% vốn chưa được phân bổ

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, tổng số vốn đầu tư đã phân bổ là trên 505.179 tỷ đồng, đạt 94,93% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao. Hiện còn trên 5% số vốn chưa được phân bổ (tương đương với trên 23.395 tỷ đồng).

Bộ Tài chính đang đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân bổ hết kế hoạch vốn cho các dự án để triển khai ngay, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Bên cạnh đó là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng do việc tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ. Còn tình trạng thiếu minh bạch và thiếu công bằng trong lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng, gây tâm lý không tin tưởng trong người dân, dẫn tới người dân cố tình không di dời hoặc khiếu kiện vượt cấp để mong được hưởng thêm quyền lợi trong đền bù giải phóng mặt bằng.

Thêm vào đó là dịch Covid-19 với diễn biến hết sức phức tạp. Do đó, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài để phòng, chống dịch, làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động đầu tư công nói riêng. Công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương còn thiếu thống nhất, đồng bộ làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng, chậm tiến độ triển khai dự án…

Bên cạnh đó, giá các vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh, nhất là sắt, thép xây dựng, xi măng, cát, sỏi,... cũng tác động trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án.

Công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện ở một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể, thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp và chủ đầu tư chưa tốt trong quá trình liên thông giải quyết thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư.

Công tác chuẩn bị dự án còn sơ sài, chất lượng kém, năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu nên dự án phải thực hiện điều chỉnh, làm chậm tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án... Việc phân bổ vốn còn dàn trải, thiếu tập trung, lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế...

Từ thực tế trên, Bộ Tài chính đang đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có giải pháp thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các Đoàn kiểm tra của Chính phủ nhằm thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đạt ở mức cao nhất. Phấn đấu hết năm ngân sách, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư năm 2021 đạt 95% - 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.