Hội thảo đã cung cấp các thông tin thực sự hữu ích về thực trạng, giải pháp, kỹ năng phân biệt, nhận diện hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa nói chung và hàng có xuất xứ Hàn Quốc nói riêng; từ đó trang bị thêm kỹ năng và kiến thức để các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam; nâng cao hiệu quả hoạt động của mình trong các hoạt động phòng, chống và xử lý hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Kim Kwan Mook - Tổng giám đốc KOTRA Việt Nam cho biết, Hàn Quốc là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Ngày càng nhiều hàng hóa Hàn Quốc được bán tại thị trường Việt Nam trên các kênh thương mại truyền thống và ngày càng nhiều trên các kênh thương mại điện tử. Trong bối cảnh đó, đã xuất hiện hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây thiệt hại cho người tiêu dùng Việt Nam và các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Giải pháp nhận diện hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ từ góc nhìn doanh nghiệp Hàn Quốc
Người dân tìm hiểu cách phân biệt hàng thật- hàng giả tại phòng trưng bày của Cục Quản lý thị trường Hà Nội tổ chức vào cuối tháng 11/2021 tại Hà Nội. Ảnh: CTV QLTT

Trong hội thảo, đại diện Trung tâm Hỗ trợ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (IP-DESK) tại TP. Hồ Chí Minh đã giới thiệu hệ thống luật pháp của Hàn Quốc về bảo hộ nhãn hiệu, hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Hàn Quốc.

Hiện nay, KOTRA có các Trung tâm Hỗ trợ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Hàn Quốc ở nước ngoài (IP-DESK), trong đó IP-DESK Việt Nam thuộc Văn phòng KOTRA tại TP. Hồ Chí Minh được thành lập từ năm 2008. Hoạt động của IP-DESK Việt Nam nhằm hỗ trợ, tăng cường nhận thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cung cấp thông tin về quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Trong hội thảo, đại diện cho các doanh nghiệp Hàn Quốc gồm Sam Sung, Hyundai, Amorepacific, Han Cosmetics đã có bài thuyết trình về kỹ năng nhận diện hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đại diện Tổng công ty Xúc tiến thương mại nông thủy sản Hàn Quốc có bài thuyết trình về phương pháp nhận diện nông sản của Hàn Quốc và tác hại đối với sức khoẻ của việc sử dụng nông sản giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tại hội thảo, đại diện cơ quan chức năng Việt Nam, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cũng chia sẻ trong những năm qua, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trên các kênh thương mại điện tử từ khi bùng phát đại dịch Covid-19.

Qua công tác kiểm tra, đã phát hiện nhiều vụ việc hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường, trong đó có hàng hóa của Hàn Quốc. Các hàng hoá của Hàn Quốc như thời trang, đồ gia dụng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được người tiêu dùng Việt Nam thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau ưa chuộng. Tuy nhiên, việc nhận diện, phân biệt hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế là không đơn giản. Điều đó đặt ra trách nhiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan thực thi trong việc xử lý. Việc KOTRA tổ chức hội thảo này hằng năm là rất cần thiết để hỗ trợ các cơ quan thực thi trong việc phát hiện, xử lý hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Do đó, hội thảo đã góp phần giúp các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam nâng cao hiệu quả trong công tác nhận diện, phòng, chống, xử lý hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đại diện cơ quan có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí đánh giá hội thảo là dịp tốt để đơn vị thu thập thêm các thông tin, kiến thức và kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn nữa công tác hỗ trợ các cơ quan thực thi trong phòng, chống và xử lý hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.