ốn vay nước ngoài

Đầu tư dàn trải, chậm tiến độ... là hạn chế của việc sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài cho đầu tư phát triển.

Việc cấp bảo lãnh Chính phủ sẽ được ưu tiên hơn cho các dự án có tầm quan trọng đặc biệt cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Giảm áp lực lên nợ công

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) - ông Võ Hữu Hiển, bên cạnh các kết quả tích cực, cơ chế sử dụng vốn chủ yếu dựa vào cấp phát từ ngân sách nhà nước và Nhà nước chịu rủi ro toàn bộ như hiện nay cũng đang đặt ra một số vấn đề: Đầu tư dàn trải, chưa thực hiệu quả; tình trạng chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư. Tính hợp lý trong phân bổ nguồn vốn giữa các địa bàn còn bất cập...

Đặc biệt, tính chất vay nước ngoài của Việt Nam đã có thay đổi khi ta đạt ngưỡng nước có thu nhập trung bình và sẽ dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc WB trong năm 2017 tới đây. Dự kiến đến tháng 7/2017 Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%.

Đánh giá về việc cho vay lại chính quyền địa phương, ông Võ Hữu Hiển cho biết, trước thời điểm Nghị định số 04/2017/NĐ-CP chưa được chính thức ban hành, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã chủ động báo cáo Bộ Tài chính đề xuất nhân rộng cơ chế tài chính áp dụng phương thức cho vay lại địa phương trên cơ sở khung tỷ lệ cho vay lại. Con số hợp đồng cho vay lại trong năm 2016 lên tới 18 hợp đồng với trị giá khoảng 996 triệu USD.

Đặc biệt trong năm 2016, tổng số dư nợ gốc tất toán trước hạn và giải phóng bảo lãnh được thực hiện trong năm 2016 khoảng 22 triệu USD, nâng tổng số trả nợ trước hạn trong 2 năm 2015 - 2016 lên gần 160 triệu USD, góp phần giảm dư nợ được Chính phủ bảo lãnh, giúp giãn sức ép lên nợ công trong các năm tới. Đây là xu hướng thúc đẩy trong giai đoạn tới để tái cơ cấu nợ công.

Các địa phương tham gia các dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

(NN-PTNT), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) là cơ quan chủ quản dự án.

“Nhìn chung, cơ chế cho địa phương vay lại đã được các địa phương tiếp nhận tích cực, cho thấy có sự chuyển biến rõ rệt trong cách tiếp cận của địa phương khi huy động vốn, khác với tâm lý thụ động, ỷ lại vào cơ quan Trung ương trước đây”, ông Hiển đánh giá.

“Sàng lọc” việc cấp bảo lãnh

Theo đại diện Cục Quản Lý nợ và Tài chính đối ngoại, việc cấp bảo lãnh Chính phủ cần được “sàng lọc” từ đầu bằng những quy định pháp lý chặt chẽ, đảm bảo giới hạn nợ vay an toàn và khả năng trả được nợ, không tăng thêm gánh nặng cho nợ công. Đòi hỏi này đã được thể hiện khá rõ trong Nghị định số 04/2017/NĐ-CP.

Nghị định quy định các chương trình, dự án đầu tư phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ, đã đăng ký kế hoạch cấp bảo lãnh cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu trong năm… Doanh nghiệp phải gửi văn bản đăng ký cấp bảo lãnh lên Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (với khoản vay nước ngoài) ngay tháng đầu tiên của năm kế hoạch.

Việc vay vốn thực hiện chương trình, dự án đầu tư phải đáp ứng các điều kiện tương ứng nêu tại Điều 34 của Luật Quản lý nợ công (về chương trình, dự án, người vay, người phát hành trái phiếu và khoản vay khoản phát hành trái phiếu quốc tế đối với doanh nghiệp). Đồng thời, hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ sẽ được phê duyệt hàng năm và phù hợp Luật Quản lý nợ công, bảo đảm an toàn nợ công.

Nghị định đặt ra yêu cầu khắt khe về vốn chủ sở hữu (CSH), như: Doanh nghiệp phải có vốn CSH tham gia dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư, phải đảm bảo đủ nguồn vốn theo tiến độ thực hiện dự án đối với các hạng mục phải chi từ vốn CSH. Khi quyết toán công trình, dự án phải đảm bảo đủ vốn CSH đã đăng ký khi nộp hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh.

Nghị định cũng quy định về hạn mức vay và phát hành trái phiếu, tỷ lệ cấp bảo lãnh, hệ số nợ của doanh nghiệp không vượt quá 3 lần vốn CSH… Doanh nghiệp phải có phương án tài chính dự án khả thi, có hệ số trả nợ bình quân trong 5 năm đầu dự án tối thiểu là 0,9 và có cam kết trả nợ… Từ đó, hạn chế vay nợ tràn lan, sử dụng vốn kém hiệu quả.

Đặc biệt, Nghị định quy định giảm mức bảo lãnh Chính phủ từ “không vượt quá 80%” tổng mức đầu tư của chương trình, dự án xuống mức bảo lãnh tối đa là 70% (gồm tất cả các chi phí vay có liên quan). Mức bảo lãnh chính phủ đối với trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu cho chương trình, dự án đầu tư không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án.

Mức bảo lãnh chính phủ được áp dụng đối với từng chương trình, dự án cụ thể theo quy định của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 và Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18/6/2014.

Cụ thể, đối với dự án được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc dự án thuộc diện phải triển khai cấp bách, mức bảo lãnh là trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu tối đa 70% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư.

Đối với dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, mức bảo lãnh là trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu tối đa 60% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư.

Đối với dự án khác, mức bảo lãnh là trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu tối đa 50% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư.

Đức Minh