mặt nước sông hồng

Toàn cảnh buổi họp báo.

Đây là thông tin được ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết tại buổi giao ban thông tin báo chí Thành ủy Hà Nội, chiều 27/10.

Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.692 tỷ đồng, từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay và vốn huy động hợp pháp theo quy định của pháp luật. Từ nay đến cuối năm 2020, dự án sẽ hoàn thành xong giai đoạn I, cung cấp khoảng 300.000m3/ngày đêm.

Dự án sẽ cung cấp nước cho khu vực phía Nam sông Hồng, bao gồm đô thị trung tâm Hà Nội (các quận nội thành) và các khu vực chưa có hệ thống cấp nước thuộc khu vực phía Tây đường vành đai 3, phía Bắc đường quốc lộ 32 thuộc quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng và hỗ trợ cấp nước cho huyện Hoài Đức.

Dự án được chuẩn bị đầu tư từ quý 2/2015 đến quý 4/2015, thực hiện từ quý 4/2015 đến quý 4/2020; kết thúc và đưa vào sử dụng từ quý 1/2021.

Việc đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng sẽ góp phần bảo đảm an toàn cấp nước cho nhân dân Thủ đô, hạn chế những ảnh hưởng khi Nhà máy nước mặt Hòa Bình và tuyến đường ống truyền dẫn nước sạch từ Hòa Bình về Hà Nội xảy ra sự cố; giảm dần việc khai thác nước ngầm theo Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc sử dụng công nghệ của dự án, ông Trịnh Kim Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty nước sạch Hà Nội cho biết, dự án sẽ sử dụng ống gang dẻo, không dùng ống thủy tinh. Khi khảo sát thiết kế thi công sẽ thực hiện chi tiết, ống nước sẽ không chôn sâu như dự án nước sông Đà hiện nay...

Về cơ chế cấp nước, ông Giang cho biết, khi nhà máy nước đi vào hoạt động sẽ áp dụng như cơ chế của nhà máy nước mặt sông Đà, tức nhà đầu tư vận chuyển từ nhà máy qua truyền dẫn, đến thành phố rồi cấp qua đồng hồ tổng. Nước được tính toán tại đồng hồ tổng, đơn giá do liên ngành xây dựng tính toán và đảm bảo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Liên quan đến công nghệ xử lý nước, bà Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nước mặt sông Hồng cho biết, dự án có công nghệ xử lý nước truyền thống với dây truyền sản xuất hiện đại, công nghệ ổn định và phù hợp để xử lý nước có dao động lớn về độ đục. Nước sản xuất sẽ đạt quy chuẩn quốc gia.

Vị lãnh đạo Sở Xây dựng cũng cho biết sẽ phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn nhà đầu tư ký kết thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước theo quy định tại Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007, Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ. Đồng thời, hướng dẫn việc lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phát triển cấp nước trong vùng phục vụ của nhà đầu tư (sau khi được ký thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước). Đảm bảo thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án về việc xây dựng phát triển hệ thống cấp nước theo quy đinh của pháp luật ./.

H.C