Hà Nội có thể thiếu điện vào năm 2024 - 2025 nếu như quy hoạch không sát thực tế
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại cuộc họp.

Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, trong năm 2022 sản lượng điện thương phẩm của ngành điện Hà Nội đạt 22.201, 3 triệu kWh, tăng 7,38% so với năm 2021, tổn thất điện năng giảm 0,05% so với kế hoạch được giao.

Trong năm 2022, mặc dù ngành điện đã cải tạo xây dựng mạng lưới điện 110kV, 220kV, 500kV, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng. Hiện tỷ lệ khởi công mới chỉ đạt 46,67%, tỷ lệ hoàn thành đạt 60,7%.

Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.Hà Nội (EVN Hà Nội) Nguyễn Quang Trung cho biết, với trạm biến áp 220/110kV Thanh Xuân, trạm biến áp 110kV Tây Hồ Tây và nhánh rẽ đường dây 110kV, trạm biến áp 220/110kV Đại Mỗ và nhánh rẽ 220kV, trạm biến áp 220/110 kV Phú Lương…. EVN Hà Nội vẫn chưa nhận được mặt bằng, nên dự án đã trễ tiến độ khởi công xây dựng theo Kế hoạch phát triển điện lực năm 2023 của TP.Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng đã lý giải nguyên nhân khiến các quận, huyện chậm bàn giao mặt bằng xây dựng. Theo đó, tại một số địa phương như quận Nam Từ Liêm, người dân chưa đồng thuận với đơn giá bồi thường, hỗ trợ dẫn đến quá trình bàn giao mặt bằng thi công bị chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chung của công trình điện. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa chủ động các bước chuẩn bị đầu tư nên khi bắt đầu triển khai gặp vướng mắc dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện. Việc phát triển lưới điện cũng gặp một số khó khăn liên quan đến thỏa thuận vị trí và hướng tuyến, chưa thống nhất giữa các quy hoạch nên phải chờ điều chỉnh cục bộ...

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) Bùi Quốc Hùng cũng nhận định, việc chậm trễ triển khai xây dựng các trạm biến áp, đường dây tải điện khiến EVN Hà Nội đã sử dụng hết 80% công suất cung ứng. Hiện kinh tế Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ. Nếu việc xây dựng, đưa vào hoạt động các trạm biến áp, đường dây tải điện bị chậm trễ, rất có thể Hà Nội sẽ thiếu điện vào năm 2024-2025.

Trước những ý kiến của các đại biểu, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu thời gian tới Sở Công thương Hà Nội phối hợp với UBND các quận, huyện giải quyết những vướng mắc trong công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng cho EVN Hà Nội triển khai xây dựng trạm biến áp, đường dây truyền tải điện. Đối với quy hoạch các trạm biến áp, EVN nên xây dựng kế hoạch đặt một số trạm tại những địa phương xung quanh Hà Nội.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, năm 2023 cần xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết, cụ thể để đảm bảo Hà Nội không được thiếu điện; tiếp tục rà soát kế hoạch phát triển điện lực từ nay đến những năm tiếp theo. Đặc biệt, các địa phương phải bố trí qũy đất cho công tác phát triển điện; đồng thời, phối hợp với các đơn vị trung ương và Hà Nội xây dựng phương án phát triển điện lực nói chung (quy hoạch phát triển điện) để tích hợp vào quy hoạch xây dựng Thủ đô…