PTL

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý tại phiên họp của UBTVQH.

Bỏ quy định HĐND điều chỉnh dự toán ngân sách khi cần thiết

Tiếp thu ý kiến rà soát lại các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong lĩnh vực ngân sách để bảo đảm thống nhất với quy định của Hiến pháp, luật chuyên ngành và dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), Ủy ban pháp luật đề nghị chỉnh lý lại một số nội dung của dự thảo luật.

Cụ thể, HĐND các cấp không quyết định dự toán thu NSNN trên địa bàn vì đây là công việc thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở trung ương, nếu giao cho HĐND từng cấp quyết định sẽ không đúng việc, trùng lặp và không bảo đảm tính thống nhất; ở địa phương, HĐND chỉ quyết định dự toán thu, chi ngân sách cấp mình.

Bỏ quy định về “HĐND điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết” nhằm tránh tùy tiện, bảo đảm tính nghiêm minh của “luật ngân sách thường niên”, đồng thời, nhằm cụ thể hóa nguyên tắc các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán theo quy định của Hiến pháp.

Bổ sung quy định về HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của địa phương trong phạm vi được phân quyền cho phù hợp với Luật đầu tư công.

Đề nghị giữ nguyên mô hình HĐND các cấp

Trong quá trình xây dựng luật, mô hình TCCQĐP là vấn đề được rất nhiều đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến. Tại dự thảo lần này, Ủy ban Pháp luật tiếp tục báo cáo 2 phương án về TCCQĐP.

Phương án thứ nhất quy định tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND) nhưng làm rõ trong Luật những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.

Ưu điểm của phương án này là ổn định, không làm xáo trộn mô hình hiện nay; phù hợp với tổ chức của hệ thống chính trị hiện nay của nước ta; đáp ứng được yêu cầu phải có sự kiểm soát của HĐND đối với UBND các cấp; bảo đảm cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương phải được giám sát bởi cơ quan do nhân dân địa phương trực tiếp bầu ra;....

Tuy nhiên, nhược điểm của cách làm này là chưa đáp ứng yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo tinh thần nghị quyết của Đảng; không thấy được sự khác biệt về mô hình tổ chức giữa các đơn vị hành chính có đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo; chưa tiếp thu được các kết quả của việc thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường theo Nghị quyết của Quốc hội....

Phương án thứ hai được nêu ra là quy định ở các đơn vị hành chính tổ chức cấp chính quyền địa phương. Riêng ở phường, do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Bên cạnh ưu điểm là tạo nên sự đổi mới bước đầu trong TCCQĐP; tạo điều kiện cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền ở đô thị một cách hiệu quả và phù hợp hơn; thể hiện rõ hơn sự khác nhau về mô hình TCCQĐP trên địa bàn đô thị và nông thôn để phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý... , nhược điểm của phương án hai là có nguy cơ dẫn đến tình trạng chính quyền xa dân, quan liêu ở những nơi không tổ chức HĐND; chưa thấy rõ cơ chế kiểm soát hoạt động của chính quyền phường cũng như trách nhiệm của chính quyền cấp trên đối với chính quyền phường....

Qua thảo luận, hiện tại đa số các ý kiến tán thành với phương án 1 và dự thảo Luật cũng đang được thể hiện theo hướng này./.

Hoàng Yến