dao tao nghe

Học sinh, sinh viên sẽ được hỗ trợ vốn để khởi nghiệp. Ảnh: Mai Đan

Theo báo cáo của Tổng cục GDNN, đến nay cả nước có 1.977 cơ sở GDNN (393 trường cao đẳng, 551 trường trung cấp và 1.035 trung tâm GDNN – thường xuyên).

Đề án được thực hiện nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên (HSSV). Thông qua đó làm thay đổi định hướng và mục tiêu học tập của HSSV từ thụ động chờ việc sang chủ động tự tạo việc làm sau tốt nghiệp. Cùng với đó là tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ HSSV hình thành và hiện thực hoá các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Theo đó, đến năm 2020 có 100% trường cao đẳng và trung cấp có kế hoạch và tổ chức triển khai hỗ trợ HSSV khởi nghiệp. Có ít nhất 90% HSSV của các trường này và trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp…

Có khoảng 50% các trường cao đẳng và trung cấp có ít nhất 2 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV được hỗ trợ đầu tư nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Để thực hiện đề án này, kinh phí sẽ được sử dụng từ nguồn ngân sách chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo phân cấp ngân sách; nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghề, hỗ trợ khởi nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra là từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp, Quỹ Hỗ trợ HSSV, Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hoá khác.

Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho rằng, thực tế từ trước đến nay do đều chú trọng vào công tác dạy nghề nên khi kết hợp khởi nghiệp sáng tạo thì đây sẽ là vấn đề lớn.

Đồng tình với những kế hoạch triển khai của đề án, ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ công tác HSSV, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, hiện nay vấn đề đào tạo và nhu cầu sử dụng vẫn còn nhiều khoảng trống, do đó đề án này phải đặt ra vấn đề giải quyết khoảng trống này như thế nào.

Theo ông Bá, để thực hiện được nhiệm vụ này chính lãnh đạo nhà trường phải thay đổi tư duy cũng như chương trình đào tạo để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Cùng với đó, bản thân HSSV cũng phải học để có tư duy tự tạo việc làm, có tâm thế chủ động để lựa chọn công việc. Hơn hết, trong chương trình của các nhà trường bắt buộc phải quy định có khối lượng kiến thức về khởi nghiệp, phát triển không gian hệ sinh thái cho nhà trường.

“Cần tạo cơ chế cho các nhà trường. Ví dụ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho nhà trường làm tư vấn khởi nghiệp. Tôi cho rằng, các em không thành công thì vẫn có thể ra kinh doanh nhỏ. Chúng tôi muốn các em có thể chủ động trong công việc của mình, cho dù ý tưởng không thành công, không nhất thiết ý tưởng đó phải trở thành đổi mới sáng tạo”, ông Bá nói.

Đồng quan điểm, ông Cung Trọng Trường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế cũng nhấn mạnh thêm, điều quan trọng nhất là làm sao để các em HSSV kết nối với môi trường doanh nghiệp nhiều hơn. Cùng với đó, việc đầu tư cho đề án cũng cần cân đối lại thay vì dàn trải để nâng cao hiệu quả./.

Mai Đan