Giàn khoan khai thác dầu khí của Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro). Ảnh minh họa

* Thưa ông, trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Việt Nam là một đối tác quan trọng của Nga trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

- Quan hệ hợp tác Nga - Việt dựa trên nền tảng lịch sử vững chắc, nổi bật nét đặc trưng là sự tương đồng lợi ích lâu dài của hai nước một cách tự nhiên và mức độ tin cậy cao.

Năm 2013 là một cột mốc quan trọng về chính sách đối ngoại của Nga. Thúc đẩy hợp tác với Việt Nam là một trong những ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Nga ở châu Á. Những cuộc tiếp xúc quan trọng ở cấp cao và cấp cao nhất chứng minh sự phát triển hết sức năng động của quan hệ song phương hai nước.

Sự kiện gây ấn tượng là chuyến thăm chính thức tới Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, vào tháng 11/2013.

Toàn bộ mối quan hệ kinh tế thương mại đã được xem xét rất chi tiết tại Kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban liên chính phủ Nga – Việt Nam, về hợp tác kinh tế thương mại và khoa học kỹ thuật. Việc trao đổi ý kiến trong các cuộc tiếp xúc song phương một lần nữa khẳng định tính chất sâu sắc trong mối quan hệ giữa hai nước chúng ta, và quyết tâm của cả hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác song phương.

Hợp tác Việt - Nga: Hướng tới Liên minh kinh tế Á - Âu mới
Chúng tôi rất hy vọng rằng, Việt Nam sẽ trở thành đối tác nước ngoài đầu tiên là thành viên Liên minh Kinh tế Á- Âu, ký kết thỏa thuận thiết lập chế độ thương mại ưu đãi...   Đại sứ  Anđrey G. Kovtun

Trong chuyến thăm của Tổng thống Putin sang Việt Nam, đã có tới 18 văn bản song phương được ký kết.

Tôi nghĩ rằng quan hệ hợp tác giữa hai nước đang trong giai đoạn chín muồi.

* Xin ông cho biết, những lĩnh vực chính đang được quan tâm, hợp tác kinh tế Việt – Nga? Theo ông, khó khăn nào cản bước trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại hai nước?

- Cốt lõi của sự hợp tác Nga - Việt trong lĩnh vực năng lượng là ngành công nghiệp dầu khí. Liên doanh Vietsovpetro trong ba thập kỷ hoạt động trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam, đã khai thác được 207 triệu tấn "vàng đen", góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.

Tại Việt Nam, hiện đang có sự góp mặt của các công ty dầu khí khác của Nga như: Gazprom, Rosneft, Lukoil. Đáng chú ý là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) nằm trong số ít các đối tác nước ngoài của các nhà dầu lửa Nga tham gia khai thác lòng đất của chúng tôi, trong các liên doanh như Rusvietpetro và Gazpromviet.

Nếu chỉ đánh giá về khía cạnh trao đổi hàng hóa, tôi đồng ý rằng, hai bên có nhiều việc phải làm. Xét tổng thể về hoạt động kinh tế hai nước thì bức tranh hoàn toàn khác.

Hiện nay, Việt Nam và Liên minh Hải quan Belarus, Kazakhstan và Nga (gọi tắt là Liên minh Hải quan) đã khởi động đàm phán FTA. Khi Việt Nam chính thức là thành viên của Liên minh Hải quan, sẽ không chỉ thúc đẩy về thương mại, mà cả dịch vụ, đầu tư cho hai nước.

Có thể nói, đầu tư là xương sống của nền kinh tế, thương mại là mạch máu để lưu thông. Khi hoạt động đầu tư và thương mại song hành, hoạt động kinh tế sẽ được vận hành tốt nhất.

* Thưa ông, những ưu tiên nào sẽ được chú trọng, nhằm nỗ lực đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 7 tỷ USD năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020?

- Việc thực hiện nhiệm vụ này liên quan trực tiếp đến triển vọng ký kết FTA giữa Liên minh Hải quan và Việt Nam.

Cho đến nay, hai bên đã tiến hành được bốn vòng tham vấn. Vòng mới nhất vừa kết thúc cách đây chưa lâu, tại Đà Nẵng. Liên minh Hải quan hiện đang ở ngưỡng cửa, mở ra một giai đoạn hội nhập kinh tế mới, chuyển đổi sang hình thức mới – đó là sự xuất hiện của Liên minh Kinh tế Á- Âu.

Chúng tôi rất hy vọng rằng Việt Nam sẽ trở thành đối tác nước ngoài đầu tiên mà các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á- Âu ký kết thỏa thuận thiết lập chế độ thương mại ưu đãi.

Việc hiệp ước tương ứng sẽ được ký kết vào năm 2014 và bắt đầu có hiệu lực vào năm 2015 sẽ đánh dấu sự chuyển đổi sang mức độ hội nhập tiếp theo, sâu sắc hơn, giữa ba nước Nga, Belarus và Kazakhstan.

Tổ công tác cấp cao Nga - Việt về các dự án đầu tư ưu tiên đã được thành lập, hoạt động song song với tiến trình đàm phán FTA và nhằm mục đích chính là gia tăng về chất các khoản đầu tư của Nga vào nền kinh tế Việt Nam.

Kết quả đầu tiên trong hoạt động của nhóm công tác nói trên – đó là thỏa thuận được danh sách sơ bộ gồm 12 dự án đầu tư tổng trị giá khoảng 20 tỷ USD.

Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, việc đẩy mạnh hoạt động đầu tư song phương sẽ đóng góp phần quan trọng vào việc gia tăng giá trị trao đổi thương mại, cải thiện các chỉ tiêu chất lượng thương mại song phương. Đàm phán FTA thành công sẽ làm tăng trưởng đáng kể việc trao đổi hàng hóa hai nước.

* Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Ngô Huệ