Theo kế hoạch, Bắc Kinh sẽ công bố số liệu chính thức về GDP quý I/2017 vào ngày 17/4.

Các chuyên gia nhận định kể từ năm ngoái tín dụng giá rẻ không chỉ thúc đẩy khu vực chế tạo mà còn hỗ trợ lĩnh vực xây dựng, thu hút cả người tiết kiệm lẫn nhà đầu cơ đổ tiền vào lĩnh vực bất động sản, qua đó đẩy giá nhà đất tại các thành phố lên cao.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn tập trung chính sách tài khóa vào đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ công, bảo hiểm xã hội, nhà ở xã hội và giảm thuế, phí cho doanh nghiệp. Tháng trước Chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ duy trì thâm hụt ngân sách năm nay ở mức 3% GDP, với 2.600 tỷ NDT (376 tỷ USD) được đầu tư vào các dự án đường sắt, đường bộ và đường thủy.

Lĩnh vực ngoại thương cũng cho thấy sự cải thiện, giữa bối cảnh Tổng thống Mỹ, Donald Trump rút lại những cảnh báo về cuộc chiến thương mại. Trong tháng Ba, xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, trong khi nhập khẩu tăng 24%. Tuy nhiên, theo khảo sát của AFP, đà tăng sẽ không kéo dài và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 6,6% trong cả năm 2017.

Trong Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương công bố ngày 13/4, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng 6,5% trong năm 2017, giảm so với mức tăng 6,7% của năm 2016 và 6,9% của năm 2015, không thay đổi so với mức dự báo được đưa ra cách đây 6 tháng. WB hối thúc Chính phủ Trung Quốc duy trì chính sách giảm nợ doanh nghiệp và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, siết chặt quản lý ngân hàng "ngầm" và giải quyết nợ thế chấp của hộ gia đình đang gia tăng./.

Theo chinhphu.vn