Đích đến là kiểm soát chi điện tử

Đẩy mạnh cải cách hành chính trong hoạt động kho bạc, tiến tới quy trình KSC điện tử. Ảnh: Hạnh Thảo

Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực KSC luôn được KBNN hết sức chú trọng, nhất là trong thời gian tới khi KBNN thực hiện KSC điện tử.

Từng bước cải cách theo hướng thuận lợi và đơn giản

Cho đến nay, công tác KSC đã có nhiều thay đổi thể hiện ở việc KBNN không xuất quỹ chi trả theo yêu cầu của cơ quan tài chính mà thực hiện kiểm soát, thanh toán, đảm bảo các khoản chi NSNN phải tuân thủ nghiêm các điều kiện chi theo quy định của Luật.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi hình thức cấp phát thanh toán các khoản chi NSNN từ hạn mức kinh phí chuyển sang cấp phát thanh toán theo dự toán ngân sách năm được giao cả đối với chi đầu tư và chi thường xuyên đã giúp cho công tác KSC NSNN giảm bớt được một số thủ tục không cần thiết cho cả cơ quan Tài chính cũng như tăng cường tính chủ động và trách nhiệm của các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư.

Ngoài ra, việc ban hành quy trình KSC “một cửa” theo hướng cán bộ làm công tác kiểm soát trực tiếp nhận hồ sơ của chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách rồi trực tiếp kiểm tra, kiểm soát thanh toán, chuyển tiền cho đơn vị thụ hưởng chính là một bước đột phá trong công tác này khi xử lý được kịp thời những vướng mắc về hồ sơ, thủ tục trong quan hệ giao dịch thanh toán giữa cơ quan KSC là KBNN và đơn vị sử dụng ngân sách.

Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản, một lĩnh vực khó và phức tạp, nhưng KBNN đã xây dựng một quy trình kiểm soát, thanh toán thống nhất từ Trung ương xuống địa phương với các quy định rõ ràng đối với từng loại vốn như: Vốn quy hoạch, vốn cho chuẩn bị đầu tư, vốn cho chuẩn bị thực hiện dự án, vốn thực hiện dự án. Đặc biệt, trong năm 2015 vừa qua, KBNN Trungương đã hướng dẫn các KBNN tỉnh, thành phố thực hiện giao một đầu mối kiểm soát, thanh toán đối với các dự án đầu tư sử dụng nhiều nguồn vốn, rút ngắn thời gian KSC đầu tư xây dựng cơ bản xuống còn 3 ngày làm việc (trước đây là 5 ngày đối với thanh toán trước, kiểm soát sau và 7 ngày đối với kiểm soát trước thanh toán sau).

Trong công tác chi thường xuyên, KBNN cũng đã nỗ lực cải cách theo hướng bỏ toàn bộ việc KSC theo dự toán chi quý để thay vào đó là KSC theo dự toán ngân sách năm. Một số khoản chi nhỏ, lẻ dưới 20 triệu đồng được KSC theo bảng kê chứng từ, nhằm tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách, đồng thời quy định rõ thời gian kiểm soát hồ sơ của cán bộ KBNN đối với từng khoản chi.

Để công tác KSC nguồn vốn NSNN được an toàn, chính xác, KBNN đã thực hiện kiểm soát cam kết chi tại tất cả các đơn vị KBNN trên toàn quốc, tạo cơ sở thực hiện việc lập ngân sách trung hạn của cơ quan tài chính các cấp, bộ, ngành, địa phương, góp phần ngăn chặn tình trạng nợ đọng trong thanh toán. Hiện KBNN cũng đang tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, quy trình kiểm soát cam kết chi để phù hợp với những quy định mới của Luật Đầu tư công, Luật NSNN năm 2015.

Song song với các cải cách trên, KBNN cũng đang đồng thời triển khai các đề án như: Thống nhất đầu mối và quy trình kiểm soát chi NSNN và Xây dựng quy trình KSC điện tử,... Các đề án này sau khi được hoàn thiện sẽ là tiền đề cho việc hiện đại hóa công tác KSC NSNN của hệ thống kho bạc tiến tới thực hiện quy trình KSC điện tửtheo Chiến lược Phát triển KBNN đến năm 2020.

Đã xây dựng lộ trình

KBNN cho biết, ngoài các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong KSC các nguồn vốn nhằm tạo thuận lợi tối đa nhất đối với từng khách hàng, thì đích đến tiếp theo mà KBNN đang hướng tới chính là KSC điện tử.

Tiến tới quy trình KSC điện tử, yêu cầu đặt ra là phải đẩy mạnh cải cách hành chính trong các hoạt động nghiệp vụ KBNN, trong đó, KSC nguồn vốn NSNN phải được xây dựng và hoàn thiện cả về cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ, hồ sơ thủ tục theo hướng đơn giản, nhanh gọn.

Để làm được việc này, trong thời gian tới, nhất là trong giai đoạn 2016 - 2020, KBNN đã đặt ra mục tiêu tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính hoàn thiện cơ chế KSC theo hướng tập trung toàn bộ các khoản chi NSNN được KSC qua kho bạc. Bên cạnh đó, thống nhất tổ chức bộ máy, quy trình KSC thường xuyên và đầu tư về một đầu mối (dự kiến triển khai thí điểm năm 2017 và mở rộng vào năm 2018).

Ngoài ra, KBNN tiếp tục nghiên cứu xây dựng quy trình giao nhận hồ sơ KSC NSNN và yêu cầu thanh toán điện tử qua mạng theo lộ trình, tiến độ thực hiện Dự án xây dựng 3 dịch vụ công trực tuyến KBNN gồm: Đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại KBNN; Khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch KSC qua mạng và giao dịch một cửa thuộc lĩnh vực kho bạc; giao diện thông tin yêu cầu thanh toán qua mạng và chương trình kê khai yêu cầu thanh toán.

Tuy nhiên, trước mắt, KBNN sẽ thực hiện đơn giản hơn nữa một số hồ sơ, chứng từ các đơn vị gửi đến kho bạc khi tạm ứng, thanh toán. Đặc biệt, sẽ chú trọng vào việc không yêu cầu đơn vị phải gửi hóa đơn, chứng từ mua sắm; hoặc chủ đầu tư không phải lập lại bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng khi giá trị khối lượng đã được nghiệm thu chưa được thanh toán hết do không còn kế hoạch vốn... Đồng thời, KBNN tiếp tục tăng cường và mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua thẻ chi tiêu công đối với các khoản mua sắm sử dụng vốn NSNN, trừ các khoản mua sắm phải tổ chức đấu thầu theo quy định.

Vân Hà