Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm, với vai trò là cơ quan kiểm soát, thanh toán vốn, KBNN Hà Nội đã triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND thành phố. Đồng thời, KBNN Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực để công tác kiểm soát chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản qua KBNN ngày càng thuận lợi, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, thanh toán kịp thời cho các nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Kho bạc Nhà nước Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư
Với vai trò của mình, Kho bạc Nhà nước Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa: H.T

KBNN Hà Nội đã chủ động nắm chắc tình hình giải ngân vốn đầu tư kế hoạch năm 2022 của từng dự án, nhất là các dự án có quy mô lớn, công trình trọng điểm của thành phố có tính chất lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với những dự án chưa giải ngân, có tỷ lệ giải ngân thấp, KBNN Hà Nội đã báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo xử lý tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Phấn đấu giải ngân đạt hơn 90% kế hoạch vốn năm 2022 khi hết năm ngân sách, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã cam kết bằng văn bản với UBND thành phố về tỷ lệ giải ngân và chịu trách nhiệm nếu không đạt tỷ lệ giải ngân theo cam kết.

Đặc biệt, theo Giám đốc KBNN Hà Nội, đơn vị đã tích cực tham gia Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của thành phố để thường xuyên nắm bắt các khó khăn, vướng mắc thực tế của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, để từ đó phối hợp cùng các sở, ban, ngành đề xuất, tham mưu với UBND thành phố có các giải pháp kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư trong giải ngân nguồn vốn; khẩn trương hoàn thành hồ sơ thanh toán; thực hiện thanh toán ngay với kho bạc khi có khối lượng nghiệm thu.

Bên cạnh đó, KBNN Hà Nội cũng thường xuyên rà soát thủ tục, quy trình kiểm soát thanh toán, rút ngắn tối đa thời gian kiểm soát chi. Đẩy mạnh giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến và đặc biệt, không để tồn đọng bất cứ hồ sơ nào mà không rõ lý do; nghiêm cấm việc lợi dụng vị trí công việc được giao để mưu lợi cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín của KBNN và làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với các KBNN quận, huyện, thị xã, KBNN Hà Nội đã yêu cầu phối hợp với chủ đầu tư, ban quản lý dự án rà soát, tổng hợp, xác định rõ nguyên nhân, biện pháp xử lý đối với các dự án có số dư tạm ứng quá hạn. Đồng thời, phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra số vốn đã tạm ứng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.

Giao chỉ tiêu giải ngân hàng tháng đến từng chủ đầu tư

Mặc dù các cấp, các ngành đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của Hà Nội vẫn đang rất chậm.

Kho bạc Nhà nước Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư
Công chức KBNN đang thực hiện đối soát dữ liệu thanh toán vốn đầu tư. Ảnh: H.T

Theo báo cáo từ KBNN Hà Nội, tính đến hết ngày 30/9/2022, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản kế hoạch 2022 qua KBNN Hà Nội (không bao gồm phần giải ngân qua Quỹ Đầu tư phát triển và ghi thu ghi chi nguồn tiền sử dụng đất đối ứng cho các dự án BT) là 20.378/60.971 tỷ đồng, đạt 33,4% kế hoạch giao. Trong đó, nguồn ngân sách trung ương giải ngân đạt 18,4% kế hoạch (15.458 tỷ đồng); ngân sách thành phố giải ngân đạt 28,7% kế hoạch (18.081 tỷ đồng) và ngân sách quận, huyện (bao gồm cả xã, phường) giải ngân đạt 45% kế hoạch (27.432 tỷ đồng).

Với tỷ lệ này, Hà Nội đang có mức giải ngân thấp hơn trung bình toàn quốc và thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước.

Đáng chú ý, hiện thành phố chỉ có 16/42 đơn vị được giao kế hoạch có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình. Còn lại, nhiều đơn vị có số vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp như: Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp (20,8%); Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (18,5%), UBND huyện Đông Anh (27,2%), UBND huyện Hoài Đức (23%), UBND huyện Ứng Hòa (18,2%) và có 4 đơn vị đến nay chưa giải ngân.

KBNN Hà Nội cũng yêu cầu các chủ đầu tư cần quan tâm đúng mức đến công tác quản lý, đôn đốc thu hồi tạm ứng; thực hiện báo cáo đánh giá tình hình tạm ứng gửi kho bạc nơi giao dịch và cơ quan cấp trên của chủ đầu tư, nêu rõ số tạm ứng quá hạn chưa được thu hồi, nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý, nhằm hạn chế nợ tạm ứng quá hạn - một nguyên nhân làm cho nguồn vốn đầu tư công giảm hiệu quả.

Phấn đấu giải ngân đạt hơn 90% kế hoạch vốn năm 2022 khi hết năm ngân sách, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã cam kết bằng văn bản với UBND thành phố về tỷ lệ giải ngân và chịu trách nhiệm nếu không đạt tỷ lệ giải ngân theo cam kết.

Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội cũng giao chỉ tiêu giải ngân hàng tháng tới từng chủ đầu tư và yêu cầu các chủ đầu tư không hoàn thành chỉ tiêu được giao phải giải trình trước tập thể UBND thành phố và đây cũng là cơ sở để thành phố xem xét giao kế hoạch đầu tư công năm 2023 của đơn vị.

Về phía KBNN Hà Nội, để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, KBNN Hà Nội cũng đề xuất UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn tích cực chỉ đạo giải quyết các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho nhà thầu đúng tiến độ để thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án có vướng mắc giải phóng mặt bằng kéo dài, các dự án ODA, dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương…

KBNN Hà Nội cũng đề xuất UBND thành phố yêu cầu các chủ đầu tư và chính quyền địa phương theo thẩm quyền tổ chức lập và phê duyệt phương án, kế hoạch, tiến hành giải phóng mặt bằng và tái định cư; tăng cường công tác phối hợp, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, củng cố bộ máy, tăng cường năng lực cho các đơn vị chức năng để đẩy nhanh, rút ngắn tiến độ giải phóng mặt bằng và tái định cư.

KBNN Hà Nội cũng yêu cầu các chủ đầu tư cần quan tâm đúng mức đến công tác quản lý, đôn đốc thu hồi tạm ứng; thực hiện báo cáo đánh giá tình hình tạm ứng gửi kho bạc nơi giao dịch và cơ quan cấp trên của chủ đầu tư, nêu rõ số tạm ứng quá hạn chưa được thu hồi, nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý, nhằm hạn chế nợ tạm ứng quá hạn - một nguyên nhân làm cho nguồn vốn đầu tư công giảm hiệu quả./.