KBNN

Tổng Giám đốc KBNN Tạ Anh Tuấn (giữa) cho rằng, những chia sẻ của các chuyên gia quốc tế sẽ giúp KBNN hoàn thiện tốt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Ảnh: Hạnh Thảo

Tại buổi tổng kết, các chuyên gia quốc tế đến từ IMF, WB đã có những khuyến nghị với KBNN sau khi thực hiện khảo sát và làm việc với một số đơn vị thuộc KBNN trong các ngày 4 đến 14/3/2019, cũng như trong 2 ngày tổ chức hội thảo về “Đổi mới chức năng quản lý của KBNN” vào ngày 11 - 12/3/2019 vừa qua.

Cụ thể, tại mỗi lĩnh vực nghiệp vụ của KBNN (quản lý ngân quỹ; huy động vốn; kế toán nhà nước, thanh tra kiểm tra nội bộ; tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực; công nghệ thông tin), các chuyên gia quốc tế đều đưa ra các khuyến nghị riêng.

Đơn cử như trong quản lý quỹ NSNN, KBNN cần cải thiện cơ chế kiểm soát cam kết chi theo thông lệ quốc tế như ghi nhận cam kết chi đối với tất cả các hợp đồng (không giới hạn ngưỡng) và tại thời điểm ký hợp đồng. Tiếp tục phân quyền kiểm soát chi cho đơn vị sử dụng ngân sách theo hướng kiểm soát chi theo rủi ro. Xem xét, đánh giá cơ chế tạm ứng để đảm bảo việc quản lý chi NSNN được hiệu quả.

Hay như trong quản lý ngân quỹ và huy động vốn, KBNN cần mở rộng phạm vi tài khoản thanh toán tập trung của KBNN theo hướng đưa các quỹ tài chính nhà nước, các khoản vốn nước ngoài về quản lý tại KBNN; hướng tới mô hình 1 tài khoản thanh toán tập trung tại Ngân hàng Nhà nước.

Tăng tần suất dự báo luồng tiền và thực hiện theo hình thức cuốn chiếu; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dự báo.

Thực hiện quản lý ngân quỹ chủ động; phát triển thị trường vốn có tính thanh khoản cao (phát hành tín phiếu kho bạc đều đặn ra thị trường với kỳ hạn linh hoạt).

Có cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trong các vấn đề đầu tư NQNN, quản lý ngoại tệ và trả lãi tiền gửi của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước...

Đặc biệt, về công nghệ thông tin, trước mắt KBNN cần cải thiện hệ thống TABMIS theo hướng đẩy mạnh chia sẻ, công khai dữ liệu NSNN, hỗ trợ các chức năng của đơn vị sử dụng NSNN, tăng cường kỹ năng phân tích dữ liệu, mã nguồn mở, API...

KBNN
Các chuyên gia quốc tế đến từ IMF, WB tại buổi tổng kết quá trình làm việc với KBNN thời gian qua. Ảnh: H.T

Về lâu dài, chuyển đổi sang hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kế toán nhà nước công nghệ số, tích hợp với các mô đun mới như quản lý đầu tư công, đấu thầu điện tử... và trao đổi dữ liệu với các hệ thống quản lý tài chính công khác; ứng dụng các công nghệ mới (dữ liệu lớn, trí thông minh nhân tạo, ứng dụng di động,...).

Tổng Giám đốc KBNN Tạ Anh Tuấn đã thay mặt KBNN, gửi lời cảm ơn chân thành tới IMF và WB về sự ủng hộ quý báu và phối hợp hiệu quả trong suốt thời gian vừa qua. Đồng thời Tổng Giám đốc KBNN cho rằng, những chia sẻ của các chuyên gia quốc tế và những ý kiến đóng góp của các đại biểu là cơ sở quan trọng, giúp cho Bộ Tài chính, KBNN củng cố và khẳng định rõ vị trí, vai trò của mình; xác định cụ thể các mục tiêu, yêu cầu, định hướng phát triển phù hợp với thông lệ chung về cải cách quản lý tài chính công và bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong giai đoạn 2021 – 2030.

Tổng giám đốc Tạ Anh Tuấn cũng đề nghị IMF, WB tiếp tục hỗ trợ KBNN triển khai các bước tiếp theo trong quá trình hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021- 2030. Bên cạnh đó là việc hỗ trợ triển khai các nội dung, chương trình cải cách sau khi Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030 đã được phê duyệt.

Vân Hà