Dự án đường vành đai 5 Thái Nguyên

Dự án đường vành đai 5 Thái Nguyên với tổng mức đầu tư trên 900 tỷ đồng đã được KBNN Thái Nguyên giải ngân trên 60% tổng số vốn.

So với cùng kỳ năm trước, số giải ngân cao hơn 84 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân nhiều hơn 6% (năm 2018 là 1.812/4.587 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch). Tỷ lệ này thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của KBNN Thái Nguyên cũng như của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Tiếp thu các quy trình cải cách – tạo thuận lợi cho đơn vị giao dịch

Ông Lê Trọng Hiệp cho biết, đồng hành cùng với các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) và tăng cường vai trò tham mưu trong quản lý quỹ NSNN, trong thời gian qua, KBNN Thái Nguyên đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp giúp cho tỷ lệ giải ngân tại địa phương luôn được cải thiện.

Cụ thể, KBNN Thái Nguyên đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, các đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS), các chủ đầu tư để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát chi và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư năm 2019. Đồng thời, KBNN Thái Nguyên đã thực hiện rà soát số dư tạm ứng vốn đầu tư XDCB, xác định rõ nguyên nhân chưa thu hồi vốn tạm ứng của từng dự án, từng nguồn để có biện pháp phối hợp đẩy mạnh việc thanh toán thu hồi vốn, nhất là số dư tạm ứng từ năm 2018 trở về trước. Ngoài ra, KBNN Thái Nguyên cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn liên quan và chủ đầu tư nắm bắt tình hình thực tế tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thuộc phạm vi quản lý, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho dự án.

Đặc biệt, theo chia sẻ của ông Hiệp, KBNN Thái Nguyên luôn quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ công chức giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tinh thần phục vụ khách hàng tốt. Song song với đó, đơn vị luôn tiếp thu các quy trình kiểm soát chi NSNN đảm bảo vừa thông thoáng, tạo thuận lợi cho các đơn vị giao dịch, vừa kiểm soát chặt chẽ các khoản chi NSNN, đồng thời ngăn chặn kịp thời việc sử dụng ngân sách sai chế độ, vượt định mức để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Trong công tác giải ngân vốn đầu tư, KBNN Thái Nguyên luôn nhận được sự đánh giá cao từ phía lãnh đạo tỉnh. Đồng thời, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cũng hài lòng về phong cách làm việc và giải quyết nhanh các hồ sơ thanh toán vốn của công chức kho bạc.

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Ban quản lý dự án công trình xây dựng giao thông tỉnh Thái Nguyên cho biết, với tinh thần và trách nhiệm của mình, các công chức KBNN Thái Nguyên đã luôn tận tình giúp đỡ đơn vị hoàn thiện hồ sơ, thủ tục. Công tác kiểm soát hồ sơ cũng được các công chức kho bạc kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu nên việc giải ngân vốn luôn nhanh chóng, kịp tiến độ của các dự án. Năm 2019, Ban được giao thực hiện dự án trọng điểm của tỉnh là Đường vành đai 5 với tổng mức đầu tư trên 900 tỷ đồng thuộc nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Dự án được khởi công từ năm 2018 và dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành. Dự án sẽ là trục “xương sống” kết nối phát triển kinh tế xã hội phía Nam của tỉnh Thái Nguyên. Đến nay dự án đã giải ngân được trên 60% kế hoạch vốn.

Cũng theo ông Hiệp, mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của địa phương so với mặt chung của cả nước là khá cao, nhưng việc giải ngân một số nguồn vốn còn đạt thấp như: Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) mới đạt trên 8% kế hoạch; nguồn vốn XDCB tập trung thuộc nguồn vốn ngân sách trung ương cũng mới chỉ đạt gần 15% kế hoạch...

Tiếp tục các giải pháp để đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất

Góp phần vào tỷ lệ giải ngân cao vốn đầu tư của toàn tỉnh phải kể đến KBNN TP.Thái Nguyên - tỉnh Thái Nguyên, khi đến hết tháng 7 vừa qua, đơn vị đã giải ngân được 647 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư năm 2019, đạt 53% so với kế hoạch (kế hoạch được giao là 1.216 tỷ đồng).

Tuy nhiên, theo Giám đốc KBNN TP. Thái Nguyên - Bùi Quang Sáng, việc giải ngân vốn đầu tư hiện còn bị chậm là do việc phân bổ vốn đến từng dự án còn chậm (như nguồn CTMTQG). Các dự án giải ngân theo cơ chế hỗ trợ vốn của nhà tài trợ, giải ngân theo tiến độ cho vay của nhà tài trợ nên phụ thuộc vào số tiền của nhà tài trợ chuyển về tài khoản nguồn để cấp phát chi tiết cho từng dự án. Hay như việc đền bù giải phóng mặt bằng với đơn giá đền bù còn nhiều bất cập nên chưa nhận được sự đồng thuận từ phía người dân.

Đặc biệt, theo ông Sáng, các dự án sử dụng ngân sách địa phương chủ yếu được bố trí kế hoạch vốn từ nguồn thu sử dụng đất, trong khi tiến độ thu tại địa phương lại không đạt nên đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác giải ngân.

Từ những khó khăn này, KBNN Thái Nguyên đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư tập trung, quyết liệt trong việc triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Đối với các dự án đang triển khai thi công nhưng chưa thực hiện xong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, khi có vướng mắc phát sinh phải khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết xử lý. Các công trình khi có khối lượng nghiệm thu, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ gửi ngay đến KBNN để làm thủ tục thanh toán vốn, tránh dồn vào thời điểm cuối năm.

Đối với nguồn vốn CTMTQG, KBNN Thái Nguyên đề nghị các sở, ngành có liên quan phối hợp và đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý và lựa chọn nhà thầu để triển khai dự án.

Ngoài ra, KBNN Thái Nguyên sẽ tích cực tuyên truyền để người dân thuộc vùng dự án nắm bắt được chủ trương và hiểu rõ về những chính sách của Đảng và Nhà nước, những lợi ích và hiệu quả của các dự án, chương trình khi triển khai tại địa phương để tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình tổ chức triển khai dự án.

Vân Hà