Giao đất giao rừng

Hội thảo khởi động dự án VNFOA. Ảnh: HH

Dự án được thực hiện trong hai năm (2016-2017) sẽ hỗ trợ thành lập Hội Chủ rừng Việt Nam (HCRVN), với cơ cấu và chính sách quản trị hiệu quả nhằm hỗ trợ ngày càng nhiều các chủ rừng quy mô nhỏ, đặc biệt là phụ nữ và người dân tộc thiểu số. Đồng thời, dự án tập trung nâng cao năng lực về các lĩnh vực liên quan cho các hội viên HCRVN để bảo vệ rừng tốt hơn, đảm bảo quyền sử dụng, cải thiện sinh kế và thu nhập từ rừng. Dự án cũng sẽ hỗ trợ cho các hội viên chủ chốt và các đại diện của HCRVN tham gia các diễn đàn cấp tỉnh, quốc gia và khu vực để nâng cao tiếng nói và vị thế của Hội.

Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, sau hơn 20 năm thực thi chính sách giao đất giao rừng (GĐGR), gần 30% diện tích đất rừng đã được giao cho các hộ gia đình và cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số sống ở vùng cao (Số liệu năm 2015 của Bộ NN&PT NT).

Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, hiện cả nước có 14 triệu ha rừng, trong đó hơn 10 triệu ha đã được giao cho 1,47 triệu chủ rừng là các hộ gia đình và cá nhân cùng với 139 công ty lâm nghiệp và gần 300 Ban quản lý rừng trên cả nước.

“Như vậy chúng ta có số lượng chủ rừng rất lớn và trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên tiếng nói của chủ rừng hiện nay đang còn có hạn chế. Chính vì vậy, việc đặt ra nhu cầu của các chủ rừng là hết sức quan trọng bởi thông qua kênh này, các chủ rừng sẽ có tiếng nói tốt hơn đóng góp vào quá trình hoạch định chính sách, đồng thời cũng là công cụ để Nhà nước giải thích rõ các chủ trương, chính sách liên quan đến rừng, đảm bảo tính định hướng chung./.


Khánh Linh